Thương vụ TikTok bị đình trệ, Mỹ xem xét cấm hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc

Thùy An-Thứ sáu, ngày 04/09/2020 14:39 GMT+7

(Ảnh: Bloomberg)

VTV.vn - Sau thương mai, công nghệ dường như là sẽ "mặt trận" mới cho căng thẳng Mỹ - Trung.

CNBC dẫn lời chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Mark Meadows cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét việc cấm thêm các ứng dụng của Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hiện chưa có tên cụ thể những ứng dụng có thể bị cấm.

Trước đó, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cũng tiết lộ chính phủ Mỹ sẽ nhắm đến nhiều ứng dụng Trung Quốc hơn nữa, sau TikTok và WeChat.

"Điều quan trọng là đất nước này không sử dụng các ứng dụng được làm ra ở Trung Quốc hoặc những ứng dụng có thể lấy dữ liệu của chúng ta và chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc", ông Navarro nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Fox ngày 31/8 theo giờ Mỹ.

Thương vụ TikTok bị đình trệ, Mỹ xem xét cấm hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau thương mai, công nghệ dường như là sẽ "mặt trận" mới cho căng thẳng Mỹ - Trung (Ảnh: Business Insider)

Washington đang tiến hành một chiến dịch chống lại những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc từ Huawei cho tới ByteDance. Chính quyền Trump đã cáo buộc Huawei và các công ty công nghệ khác có thể thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và chuyển cho nó cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, các công ty đều phủ nhận điều này.

Từ năm ngoái, Huawei, công ty sản xuất thiết bị mạng và các sản phẩm tiêu dùng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đã liên tiếp phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ chính quyền Mỹ. Đáng chú ý trong hạn chế mới, Mỹ yêu cầu các công ty và chi nhánh cần giấy phép đặc biệt khi mua bán với Huawei. Bất kể Huawei là người mua, người nhận hàng trung gian, người nhận hàng cuối, hoặc người dùng cuối.

Những biện pháp mới sẽ khiến Huawei không thể mua sản phẩm bán dẫn hay bất cứ loại chip nào được sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ nếu không có giấy phép đặc biệt. Ngoài ra, nó cũng hạn chế việc Huawei sẽ "lách luật", sử dụng bên thứ ba để tiếp cận công nghệ chip trong thương mại. Theo các chuyên gia, đây thực sự là cú đánh chí tử vào Huawei, vì con chip chính là linh hồn trong các sản phẩm của hãng.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ thực hiện bất cứ giao dịch nào với Tencent - tập đoàn sở hữu mạng xã hội WeChat và ByteDance - công ty mẹ của TikTok. Lệnh cấm sẽ bắt đầu áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ban hành sắc lệnh.

Sau đó, ông Trump đã ban hành một sắc lệnh riêng vào ngày 14/8 cho ByteDance 90 ngày để bán lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty khác.

Thương vụ TikTok bị đình trệ, Mỹ xem xét cấm hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc - Ảnh 2.

Với quy định mới của Trung Quốc, thương vụ TikTok bất ngờ rơi vào bế tắc (Ảnh: Getty)

Hiện Oracle, Microsoft và Walmart đang tham gia vào thương vụ mua lại TikTok ở Mỹ. Theo CNBC, thỏa thuận, có thể trị giá từ 20 tỷ đến 30 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ được chốt trong tuần này. Tuy nhiên, cuối tuần trước, một diễn biến đã tới khi lần đầu tiên sau 12 năm, Trung Quốc đã công bố bản danh sách công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu với nhiều sửa đổi. Nước này cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ trên thế giới đang ngày càng gay gắt, đặc biệt là với Mỹ.

Các chuyên gia đánh giá, việc Trung Quốc đưa những sản phẩm công nghệ vào danh sách bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu được cho là có thể sẽ áp dụng với thương vụ sắp tới của TikTok tại Mỹ, nếu công ty mẹ ByteDance đạt được thỏa thuận với một đối tác nào đó.

Theo các chuyên gia, "vũ khí bí mật" của TikTok hiện nay - công nghệ gợi ý giới thiệu video mới cho người xem - phụ thuộc vào các thuật toán lõi phân tích hành vi người dùng, vốn được phát triển ở trong nước. Nếu muốn bán quyền vận hành thương hiệu này ở nước ngoài như Mỹ, ByteDance có thể phải chuyển quyền sử dụng các mã của công nghệ lõi này cho đối tác, do đó sẽ chịu sự điều chỉnh của quy định hạn chế xuất khẩu.

Thương vụ TikTok bị đình trệ, Mỹ xem xét cấm hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc - Ảnh 3.

Sau thương mai, công nghệ dường như là sẽ "mặt trận" mới cho căng thẳng Mỹ - Trung

ByteDance cho biết họ sẽ "tuân thủ nghiêm ngặt" luật pháp. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tuần này cho biết, các hạn chế xuất khẩu không nhắm mục tiêu vào một công ty cụ thể nào.

Tuy nhiên, quy định mới có thể làm chậm lại thương vụ TikTok. Hãng thông tấn Reuters cho rằng, hiện có bốn lựa chọn liên quan đến việc mua bán, trong đó bao gồm khả năng các nhà thầu tiến hành mua lại mà không mua thuật toán cốt lõi của TikTok.

Đáng chú ý, không chỉ Mỹ cho các công ty công nghệ Trung Quốc vào tầm ngắm. Đầu tuần này, Ấn Độ đã cấm thêm 118 ứng dụng của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Trong đó có rất nhiều các ứng dụng và game phổ biến như: Alipay, Sina News, LivU, ShareSave, CamCard, Baidu, Cut Cut, VooV, Tencent Weiyun, Rise of Kingdoms, Zakzak…

Trước đó, trong tháng 7, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat... 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước