Đứng sừng sững trên thượng nguồn của dòng sông Đà, Thủy điện Lai Châu xứng đáng với tầm vóc của một công trình trọng điểm quốc gia với đập nước khổng lồ cùng các cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Bên trong nhà máy, những bộ phận máy móc khổng lồ của tổ máy số 2 và số 3 vẫn đang được các công nhân, kỹ sư khẩn trương lắp ráp. Chiếc Roto nặng tới 1.000 tấn, được lắp ráp bằng tay từ hơn 20.000 chi tiết, đây là bộ phận nặng nhất, phức tạp và có nhiều chi tiết nhất trong 1 tổ máy phát điện. Dù tiến độ lắp ráp được đẩy lên tối đa, nhưng thận trọng và chính xác trong từng chi tiết luôn là yêu cầu cao nhất đối với các công nhân.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ lắp ráp, tổ máy số 1 đã hoàn thành vào tháng 3 năm 2016 cũng đang được vận hành liên tục để hòa vào lưới điện quốc gia. Hai tiếng một lần, công nhân trực tổ máy lại kiểm tra toàn bộ chi tiết bên trong cỗ máy khổng lồ, đảm bảo không có bất cứ chi tiết nào hỏng hóc làm ảnh hưởng đến nguồn điện năng của Tổ quốc.
Vượt 830km đường bộ và đường thủy trong 3 tháng, cỗ máy biến áp nặng 280 tấn của tổ máy số 2 chỉ còn vài mét nữa là sẽ về đích. Áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình xây dựng như đắp đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn, sử dụng thiết bị, công nghệ của nhà thầu đã cung cấp cho Thủy điện Sơn La… đã giúp cho Thủy điện Lai Châu rút ngắn thời gian thi công khoảng 1 năm, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1 triệu USD.
Trong năm nay, Thủy điện Lai Châu dự kiến hoàn thành việc lắp đặt 7.200 tấn thiết bị các loại, đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy số 2 vào cuối tháng 6 và phát điện tổ máy số 3 cuối tháng 10/2016. Khi khánh thành vào cuối năm 2016, mỗi năm Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp 4,722 tỷ KW điện vào lưới điện quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!