Hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, các học giả, nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, Liên bang Nga và các nước ASEAN. Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá thực trạng hợp tác, phát triển giữa ASEAN, trọng tâm là giữa Việt Nam với Liên bang Nga trong hơn hai thập kỷ qua, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển giữa Việt Nam với Liên bang Nga lên một tầm cao mới.
Sau hơn 20 năm, kể từ năm 1993, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng gần 15 lần và đã đạt 4 tỷ USD vào năm 2013. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Nga là gạo, hàng may mặc, giày dép, cao su, hải sản... Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga các mặt hàng như sắt thép, phân bón, xăng dầu và máy móc. Điều này cho thấy cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai nước mang tính bổ sung, phát huy các lợi thế so sánh của từng nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, mối quan hệ hợp tác Việt - Nga được đánh giá là chưa tương xứng với tầm vóc cần có của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Không ít nội dung của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vẫn còn mang nặng tính chất định hướng, chưa được cụ thể hóa bằng các hoạt động hợp tác cụ thể. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của mỗi nước, khoảng 1% kim ngạch thương mại của Việt Nam và 0,5% kim ngạch thương mại của Nga. So sánh với quan hệ thương mại Nga - Trung hay Việt - Mỹ thì tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều Việt - Nga còn rất thấp.
Tuy nhiên, nhìn về triển vọng trong thời gian tới, đại diện hai nước đều cho rằng, tiềm năng hợp tác Việt - Nga là khá to lớn so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á. Hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Bên cạnh đó, so với các quốc gia khác, Việt Nam và Liên bang Nga từ lâu đã có truyền thống quan hệ song phương và sự hiểu biết lẫn nhau khá tường tận trên nhiều lĩnh vực.