Tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất thấp

PV (t/h)-Thứ năm, ngày 13/05/2021 20:04 GMT+7

VTV.vn - Dù lãi suất tiền gửi tiếp tục ở mức thấp, nhưng huy động vốn của các ngân hàng thương mại ở TP Hồ Chí Minh lại tăng trở lại.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh về tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 4/2021 cho thấy, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 4 ước đạt hơn 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm trước.

Tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất thấp - Ảnh 1.

Các ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi ở mức thấp. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% và tăng 1,57% so với cuối năm 2020. Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế ước đạt 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53% và giảm 0,38% so với cuối năm 2020.

"Sau 2 tháng giảm liên tục, huy động vốn trên địa bàn bắt đầu tăng trở lại vào tháng 3 (tăng 0,76% so với tháng trước)", Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định. Dự ước đến cuối tháng 4, vốn huy động trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm).

Đáng chú ý, so với cuối năm trước, bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư duy trì tăng trưởng, ở mức tăng 1,22% và chiếm tỷ trọng khoảng 39% trong tổng huy động vốn.

Có thể thấy, sau 2 tháng đầu năm sụt giảm, dòng tiền nhàn rỗi đã quay trở lại ngân hàng bất chấp việc các ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi ở mức thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lãi suất gửi tiết kiệm bằng VNĐ đến cuối tháng 4 được áp dụng phổ biến ở mức 3,2 - 3,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 3,8 - 6,3%/năm với các kỳ hạn trên 12 tháng.

Đầu tháng 5 này, lãi suất huy động của một số ngân hàng biến động trái chiều, trong khi một số ngân hàng tăng, một số khác lại giảm. Tuy nhiên hầu hết, các ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm so với tháng trước.

Tại một số ngân hàng như NamABank, MBBank..., lãi suất huy động được điều chỉnh giảm nhẹ ở một vài kỳ hạn. Tại NamABank, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm, còn lãi suất huy động ở kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,5 điểm phần trăm. Trong khi MBBank, lãi suất huy động cũng giảm 0,1 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lại điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng cao nhất là 3%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,2%/năm, tăng khoảng 0,75 điểm % so với trước đó.

Lãi suất tiền gửi của 4 "ông lớn" ngân hàng là VietinBank, Agribank, Vietcombank và BIDV vẫn giữ mức ổn định so với tháng trước, trong đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm.

Theo nhận định của một số chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào, xu hướng chung của các ngân hàng thương mại vẫn là giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay.

Hơn 1,83 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản Hơn 1,83 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản

VTV.vn - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng tình trạng sốt đất trong thời gian qua không xuất phát từ tín dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước