Chiều 21/7, giá vàng trong nước tiếp tục vượt mốc 51 triệu đồng/lượng.
Lúc 15h20, Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 51,05 - 51,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với đầu giờ sáng, mức giá này đã tăng khoảng 400.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch ở mức 51,15 - 51,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với đầu giờ sáng, mỗi lượng vàng SJC tại doanh nghiệp này cũng đã đắt hơn khoảng 400 nghìn đồng/lượng.
Thị trường không xuất hiện những giao dịch đột biến
Như vậy, giá vàng trong nước lại có phiên tăng mạnh và tiếp tục ghi nhận mức đỉnh lịch sử. Theo quan sát của phóng viên, tại các cửa hàng vàng bạc lớn trên "phố vàng" Trần Nhân Tông của Hà Nội, lượng khách đến giao dịch đông hơn nhưng chủ yếu tại các cửa hàng lớn như Bảo Tín Minh Châu. Còn tại các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn vắng bóng khách giao dịch.
Anh Nguyễn Anh Dũng, một người dân ở Kim Liên, Hà Nội cho biết, giá vàng tăng cao nhưng cũng có thể cũng giảm nhanh. Chính vì vậy thời điểm này anh Dũng có khoản tiền nhàn rỗi nhưng anh không đầu tư vào vàng.
"Giá vàng càng tăng cao thì càng không nên mua vào hoặc lướt sóng. Bởi giá mua vào - bán ra có khoảng cách chênh lệch, nếu mua rồi bán ra lướt sóng thì nhà đầu tư không những không có lời mà còn chịu thiệt", anh Dũng nói.
Giá vàng tăng nhưng thị trường vàng trong nước vẫn không xuất hiện dấu hiệu đột biến.
Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách đến mua vào hôm nay chiếm tỷ lệ cao hơn so với khách bán ra. Giá vàng trong nước phiên giao dịch hôm nay tăng mạnh và trụ vững ở ngưỡng cao. Vì vậy, người dân và các nhà đầu tư nên cân nhắc trước các giao dịch.
Giới kinh doanh vàng cho biết, dù giá vàng ở mức cao nhất từ trước đến nay nhưng thị trường vẫn đang bao trùm tâm lý nghe ngóng. Từ khi vàng tăng lên mức đỉnh lịch sử, các giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn là những giao dịch nhỏ lẻ, không có dấu hiệu của nhà đầu tư lớn.
Theo đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng tăng cao từ đầu tháng 7 đến nay, tuy nhiên tỷ lệ giao dịch mua bán tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng không có quá nhiều biến động so với thời gian trước.
Các chuyên gia đến từ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng nhận định, hiện nay, giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố như diễn biến của đồng USD, tình hình dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ - Trung. Nếu trong thời gian tới vàng giá vàng thế giới phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.829 USD thì giá vàng có thể hướng đến mức cao nhất mọi thời đại. Ngược lại, giá vàng thế giới sẽ chịu sự điều chỉnh do giới đầu tư chốt lời.
"Trong thị trường với những yếu tố rất khó đoán định tạo ra bởi dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại như hiện tại, đầu tư vàng ở mức giá này sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng quan sát và không nên "bỏ trứng vào một giỏ", cần phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau thay vì "tất tay" vào vàng", đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI khuyến cáo.
Thị trường vàng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố
Giá vàng tại thị trường châu Á chiều 21/7 có lúc "leo" lên mức cao nhất trong 9 năm qua.
Giá vàng tại thị trường châu Á chiều 21/7 có lúc "leo" lên mức cao nhất trong 9 năm qua trước những dự báo lạm phát gia tăng do những gói kích thích kinh tế của các nước "lấn át" nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro.
Vào lúc 14h30 ngày 21/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,4% lên 1.822,11 USD/ounce sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.823,80 USD/ounce.
Trưởng chiến lược gia thị trường Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính AxiCorp nhận định yếu tố thực sự tác động tới thị trường vàng là các gói kích thích kinh tế và ảnh hưởng này sẽ tiếp tục gia tăng.
Giá vàng thường hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế mà các nước triển khai khi kim loại quý này được coi là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn kinh tế khó khăn và lạm phát gia tăng. Tuy vậy, giới phân tích có những nhận định khác nhau về triển vọng lạm phát trong tương lai.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn dành cho các nền kinh tế thành viên của liên minh này vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Trong khi đó, các nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ cũng thông báo kế hoạch tìm kiếm gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo trị giá 1.000 tỷ USD.
Cùng với các gói kích thích kinh tế, những hy vọng ngày càng tăng về việc điều chế thành công vaccine COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro. Tuy vậy, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ và các nước khác đã làm dấy lên những quan ngại về khả năng hồi phục của nền kinh tế thế giới, từ đó khiến các dòng vốn đầu tư đổ vào những tài sản an toàn và giúp giá vàng tăng khoảng 20% kể từ đầu năm 2020 đến nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!