Trong những tuần qua, cụm từ COVID-19 đã không còn xuất hiện nhiều trên các báo, có chăng chỉ là đôi dòng thông báo về những ca dương tính từ nước ngoài về và được cách ly ngay tại sân bay. Người dân chắc cũng đã yên tâm hơn phần nào bởi điều đó cho thấy dịch bệnh đã được khống chế, tình hình ổn định trở lại. Thế nhưng với Chính phủ, một sự cẩn trọng nhất định vẫn được dành cho tình hình bệnh dịch và bằng chứng là việc không vội vàng trong việc nới lỏng dần các biện pháp giãn cách.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới; phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính; chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới. Trong mở cửa, không chỉ chú ý đến kinh tế mà chú ý cả quan hệ chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là các đối tác mà dịch bệnh đã giảm hẳn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 9/6. (Ảnh: Dân trí)
Tờ Quân đội nhân dân dẫn lời Thủ tướng đặt ra yêu cầu hàng đầu cho công tác phòng, chống COVID-19 trên tinh thần không được lơ là, chủ quan nhất là ở các khu vực biên giới, đường bộ, đường biển, hàng không, các cửa khẩu. Đi đôi với đó là tạo điều kiện cho việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Mục tiêu tiếp theo rất quan trọng là phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Nhấn mạnh quan điểm vừa phòng chống COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo cho thấy một sự nới lỏng hơn nữa, phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhưng sẽ mang lại những tác động tích cực đối với hoạt động kinh tế.
Tờ Lao động cho biết, Thủ tướng đồng ý cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam theo địa chỉ. Thủ tướng giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm cách ly có thu phí, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định.
Cùng với kích thích đầu tư, một chỉ đạo của Thủ tướng được nhiều tờ báo đồng loạt nhắc đến đó là cân nhắc việc nối lại các đường bay quốc tế, sớm mở lại đường bay, dần khôi phục việc đi lại an toàn, tạo cú hích mới cho quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giai đoạn hậu dịch.
Báo Giao thông nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay với các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Tinh thần không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.
Du khách châu Âu tham quan Hội An. (Ảnh: Dân trí)
Báo Người lao động thông tin thêm, một số nước, vùng lãnh thổ có khả năng mở đường bay trước là ở Đông Bắc Á như: Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)… Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, để phục hồi hoàn toàn thị trường hàng không, phải đợi đến lúc thị trường quốc tế mở cửa trở lại, do khách quốc tế chiếm khoảng 50% dung lượng thị trường.
Một chỉ thị của Thủ tướng tại cuộc họp cũng được nhiều tờ báo đặt làm tít của bài viết đó là cho phép cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường hoạt động trở lại. Một biểu hiện cho thấy nhịp sống cũ đang trở lại. Các cơ sở kinh doanh cũng vui hơn khi được hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm dừng và chịu thua lỗ. Tuy nhiên cũng cần phải mất một thời gian để hoạt động này trở lại bình thường khi người dân cũng phải chịu những ảnh hưởng về tài chính sau đợt dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!