Tiki khẳng định không “bán mình” cho công ty Singapore

Chinh Vũ-Thứ tư, ngày 21/07/2021 19:03 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, Tiki đã khẳng định không “bán mình” cho công ty Singapore và giải thích rõ lý do nhượng cổ phần.

Sau thông tin chủ quản sàn thương mại điện tử Tiki sẽ chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho một pháp nhân tại Singapore là Tiki Global Pte. Ltd, trao đổi với phóng viên VTV chiều 21/7, đại diện Tiki khẳng định đây không phải là động thái "bán mình" cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, ngày 10/6/2021 cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Công ty Cổ phần Tiki (gọi tắt là Tiki) và Công ty Tiki Global Pte. Ltd. có pháp nhân ở Singapore (gọi tắt là Tiki Global). Theo đó, Tiki sẽ chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho Tiki Global, sau khi công ty phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ. Đây được xác định là hình thức mua lại doanh nghiệp theo Luật Cạnh tranh.

Lý giải về quyết định này, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của Tiki khẳng định về bản chất đây là hoạt động để Tiki thành lập một "thực thể" doanh nghiệp tại Singapore. Để phục vụ nhiều mục tiêu cho giai đoạn phát triển sắp tới, mà trọng tâm là tiến tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) một cách thuận lợi hơn.

"Tại Việt Nam, 1 nhà đầu tư nước ngoài mua 1 cổ phần thôi thì chúng tôi cũng phải làm các thủ tục theo quy định, mất từ 4-5 tháng mới có thể hoàn thành được. Quy trình này không thuận lợi cho một công ty tại Việt Nam muốn IPO tại thị trường quốc tế", ông Khánh dẫn chứng.

Một lý do quan trọng khác là Tiki đang có kế hoạch xây dựng một tech hub - trung tâm công nghệ để thu hút, phát triển đội ngũ kĩ sư. Khi Tiki có trụ sở tại Singapore thì theo luật của nước bạn, Tiki có thể được Chính phủ Singapore hỗ trợ trả đến 50% lương cho nhân sự. "Đó là một chính sách rất hấp dẫn", ông Khánh nói.

Động thái thiết lập Tiki Global tại Singapore của Tiki diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử đầu ngành tại Việt Nam vẫn diễn ra rất "khốc liệt". Mỗi doanh nghiệp đầu ngành đều đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt với các doanh nghiệp Việt như Tiki, Sendo vốn chịu nhiều sức ép về vốn.

Theo báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Insights (Malaysia), tính đến quý I/2021, Tiki và Sendo đều có lượng truy cập website trung bình tháng chưa bằng 1/3 so với sàn nước ngoài là Shopee.Trong khi về về tiêu chí ứng dụng di động (app), 2 startup Việt cũng xếp sau 2 sàn ngoại là Shopee và Lazada.

Trong cơ cấu cổ đông của Tiki tính đến tháng 3/2021, nhóm trong nước vẫn chiếm đa số với 51,6% cổ phần. Cụ thể, ông Trần Ngọc Thái Sơn - người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT và CEO có 20,1%, công ty VNG có 20,2%, các nhóm nhà đầu tư trong nước khác sở hữu 10,3%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước