Trong vòng 5 năm tới Việt Nam sẽ cần khoảng 1 triệu tỉ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng được gần 30% con số này, có nghĩa 700.000 tỉ đồng nữa, ngành GTVT sẽ phải huy động bằng hình thức xã hội hóa.
Tại một cuộc họp kiểm điểm tiến độ và gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách của Bộ GTVT, 53 dự án đã được các cơ quan chức năng của Bộ xem xét để tìm ra hướng giải quyết. Ví dụ như một dự án đang xây dựng bằng hình thức vốn ngân sách nay chuyển sang mô hình BOT.
Để tạo hiệu quả trong cơ chế thu hút vốn ngoài ngân sách, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gắn trách nhiệm cho từng Thứ trưởng và lãnh đạo các Ban quản lý bằng chính số lượng vốn huy động được mà các nhà đầu tư giải ngân vào dự án. Đây cũng là căn cứ để xét duyệt thi đua hàng năm cho mỗi cán bộ trong ngành.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói: “Coi việc hoàn thiện dự án BOT là hoạt động sống còn của ngành GTVT. Tư duy chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước là Ban quản lý tự đào thải chính mình”.
Hết quý I năm nay, Bộ GTVT đã thu hút được gần 50% vốn ngoài ngân sách cho việc đầu tư các dự án BOT trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không. Kinh nghiệm cho thấy, khi nhà đầu tư có niềm tin vào chính sách thì việc huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ thành công. Bởi ba năm qua, bằng hình thức này Bộ GTVT đã huy động được số vốn kỷ lục 150.000 tỉ đồng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.