Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2015 sẽ đạt 6,1% và 6,2% trong năm 2016, trong đó FDI đóng vai trò quan trọng. Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ một phần bị ảnh hưởng ngược lại do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc tính cạnh tranh của mình khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập vào cuối năm nay. Hiện Việt Nam đang cạnh tranh với khu vực về thu hút FDI nên tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, tuy nhiên còn nhiều yếu tố khác như lao động và các chính sách khác.
Ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế quốc gia - Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB cho rằng: “Trong tương lai Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược, chọn lọc lĩnh vực nào là thế mạnh của nền kinh tế để thu hút và phân bổ nguồn vốn FDI hiệu quả, không chỉ là số lượng mà cần tính đến chất lượng của FDI, là động lực giúp Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt hơn, có thêm việc làm chất lượng cao và cơ hội đồng đều cho mọi thành phần kinh tế”.
Năm 2015 là dấu mốc quan trọng khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại, hiệp định tư do mới, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia mạnh hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi con số này là gần 50% ở Malaysia và 35% ở Thái Lan.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần tính đến lợi ích mà hội nhập kinh tế mang lại. Động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam hiện đang là trao đổi thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng nếu nhìn vào tăng trưởng xuất khẩu đóng góp như thế nào vào nền kinh tế thì con số này lại rất thấp. Bởi các doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho xuất khẩu rất thấp, chỉ 10%. Thời gian tới, để đảm bảo mọi thành phần xã hội của Việt Nam đều được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế thì cần chú trọng hơn nữa vai trò và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước”.
Để nâng cao tốc độ tăng trưởng, về lâu dài Việt Nam vẫn cần giải quyết một loạt vấn đề như phải đẩy nhanh quá trình cải cách ngân hàng, xử lý nợ xấu, thực hiện luật mới thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.