Tín dụng chính sách: Công cụ giảm nghèo hữu hiệu của Việt Nam

Chí Sơn - Việt Hải - Hữu Trung-Thứ ba, ngày 14/07/2020 20:48 GMT+7

Tín dụng chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

VTV.vn - Tín dụng chính sách được coi là một công cụ giảm nghèo hữu hiệu của Việt Nam, là một giải pháp sáng tạo, nhân văn trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã được thực thi trong 5 năm qua. Với hiệu quả chương trình này mang lại cho hàng triệu người nghèo trên cả nước đã minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng, khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc phát triển kinh tế từng địa phương và cả nước.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ánh (xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), dù đã thoát nghèo vài năm trước nhưng để nuôi 4 người con ăn học là một gánh nặng quá sức. Nếu không được hỗ trợ, các con bà Ánh có thể phải bỏ học giữa chừng.

May mắn thay, với sự hỗ trợ kịp thời của tín dụng chính sách dành cho học sinh sinh viên 4 người con của bà ăn học thành tài, có việc làm ổn định. Gia đình bà cũng nhờ đó thoát cảnh nghèo túng.

"Vợ chồng tôi quyết tâm làm sao bằng mọi giá phải có tiền cho con đến trường. Cũng nhờ Đảng, Nhà nước và Ngân hàng chính sách giúp tôi vay vốn mới có khả năng nuôi được 4 đứa con đi học đàng hoàng", bà Ánh chia sẻ.

Tín dụng chính sách: Công cụ giảm nghèo hữu hiệu của Việt Nam - Ảnh 1.

Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trực tiếp vốn vay cho bà con. Ảnh minh họa.

Còn với ông Giàng A Sình (xã Chế Tạo, huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội mà gia đình ông đã vươn lên thoát khỏi nghèo khó đeo bám nhiều năm nay. Không chỉ vậy, nguồn vốn vay chính sách còn giúp gia đình ông tạo ra sinh kế nuôi bò sinh sản.

"Bản thân tôi là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Để bà con được sử dụng vay như tôi, bà con phải học cách chăn nuôi, trồng cỏ và xây dựng chuồng trại. Tôi theo dõi bà con, anh vay đồng vốn anh phải làm giàu được", ông Giàng A Sình nói.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 đã có trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn từ nguồn vốn chính sách, trong đó có 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững. Hàng vạn công trình nước sạch, nhà ở cho người nghèo cũng đã được xây dựng. Tín dụng chính sách được coi là một công cụ giảm nghèo hữu hiệu của Việt Nam, là một giải pháp sáng tạo, nhân văn trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư vẫn sẽ là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội để tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước