Tín dụng không phải là giải pháp duy nhất tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Linh Thủy-Thứ hai, ngày 13/11/2023 21:17 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp cho rằng tín dụng không nên và không phải là giải pháp duy nhất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối năm 2022 và chiếm khoảng 1/5 tổng dư nợ toàn nền kinh tế, dù vậy đang tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý khi sức mua của thị trường vẫn thấp. Trong khi đó, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất cao trên 20%. Đây là nội dung đáng chú ý nêu ra tại Hội nghị tín dụng với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng nay (13/11) tại Hà Nội.

Doanh nghiệp cho biết hạn mức được vay khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng thì ngân hàng thương mại đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay.

Hiện các doanh nghiệp nhà thầu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu hầu như chỉ vay vốn ngắn hạn. Trong khi đó, điều kiện pháp lý các dự án bất động sản kéo dài, chủ đầu tư khó xoay xở dòng tiền để thanh toán. Vướng mắc dòng tiền cũng khiến các chủ đầu tư không đáp ứng đủ số vốn đối ứng.

Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng không thể phủ nhận chất lượng tín dụng bất động sản đang phát đi những tín hiệu cảnh báo. Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9 là gần 2,9%, đã tăng hơn 1% so với thời điểm cuối năm 2022.

Tín dụng không phải là giải pháp duy nhất tăng nguồn cung nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đến nay mới có 54 dự án đủ điều kiện. Trong đó hơn 50% chưa có nhu cầu vay vốn; hơn 20% chưa đủ điều kiện cho vay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Người tiêu dùng chưa quay trở lại mua bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản không có đầu ra. đầu vào vướng về pháp lý, đầu ra thì không có nên tạo thanh thị trường yếu đi. Ở góc độ tài chính, ngân hàng sẵn sàng cho vay", ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MBBank, cho biết.

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đến nay mới có 54 dự án đủ điều kiện, trong đó hơn 50% chưa có nhu cầu vay vốn; hơn 20% chưa đủ điều kiện cho vay. Doanh nghiệp cho rằng tín dụng không nên và không phải là giải pháp duy nhất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cho biết sẽ ghi nhận những đề xuất của doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc kịp thời, đẩy mạnh phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 33 và Công điện số 993 nhằm khơi thông thị trường bất động sản.

Tín dụng bất động sản tăng hơn 6% Tín dụng bất động sản tăng hơn 6%

VTV.vn - Đến cuối tháng 9, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước