Từ mức tăng trưởng âm trong tháng 2, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đến cuối tháng 3 đã đạt hơn 0,6% cho thấy sự cải thiện tích cực trong tháng 3 vừa qua. Dự báo, tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế sẽ còn tăng trưởng lạc quan hơn nữa trong quý II, trên nền lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào của toàn hệ thống ngân hàng.
6% là mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính đến cuối tháng 3, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 ở mức 9%. Tuy nhiên, quy mô tín dụng giải ngân ở mức tương đương, khoảng 20.000 tỷ đồng, tập trung vào ba lĩnh vực chính là nông nghiệp, các ngành liên quan đến xuất khẩu và tín dụng xanh.
Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết: "Theo chủ trương chính sách chung của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi xây dựng các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn, thấp hơn so với lãi suất thông thường mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo ra những kênh online để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các hồ sơ vay vốn".
Nếu như tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 3 đạt 0,61% thì rất nhiều ngân hàng cổ phần có mức tăng khá cao so với bình quân toàn ngành. Như tại ACB là 3,7%, OCB là 4,6%, Techcombank từ 3-4% trong hai tháng đầu năm. Vốn giá rẻ là lợi thế thời điểm hiện tại.
Từ mức tăng trưởng âm trong tháng 2, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đến cuối tháng 3 đã đạt hơn 0,6%
Bà Đinh Thị Thu Thảo - Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân Ngân hàng ACB nhận định: "Trong năm 2024, ACB nhận định lãi suất vẫn tiếp tục thấp và duy trì lãi suất thấp trong suốt cả năm 2024 để người dân cũng như doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng với mức lãi suất tốt và hấp dẫn như hiện nay".
Hiện các ngân hàng đang cho vay khách hàng doanh nghiệp với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm. Khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất 1-2 năm đầu, hay miễn lãi tháng đầu tiên.
Lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào, các ngân hàng mong muốn cho vay. Các chuyên gia nhận định, để đẩy tín dụng tích cực hơn trong thời gian tới, chìa khóa vẫn nằm ở sức cầu về vốn.
"Chính sách tiền tệ tín dụng cũng như môi trường kinh doanh tương đối tốt. Vấn đề ở đây tác động để khơi thông dòng vốn là tác động vào các yếu tố động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu tăng trưởng kinh tế tốt từ đó cải thiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế thì sẽ tác động ngược tới tăng trưởng tín dụng. Biểu hiện định lượng nhất về tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2024 với những nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, đã có những chuyển biến tích cực, dòng tiền đã thuận lợi thì tín dụng ở những nhóm ngành này cũng tăng trưởng" - ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến.
Tại hội thảo với chủ đề "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia khẳng định, các chỉ báo cho thấy nền kinh tế đang hồi phục. Lãi suất thấp sẽ phát huy vai trò hỗ trợ tăng trưởng trong pha hồi phục này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!