Tín hiệu vui từ liên kết tiêu thụ lúa gạo

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/05/2024 15:18 GMT+7

VTV.vn - Việc liên kết giữa hợp tác xã hay nhà phân phối trong ngành hàng lúa gạo đang được nhiều địa phương triển khai và đã có những hiệu quả bước đầu.

Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo được coi là yếu tố quan trọng để xuất khẩu gạo bền vững. Ngoài nông dân và doanh nghiệp, việc liên kết giữa hợp tác xã (HTX) hay nhà phân phối đang được nhiều địa phương triển khai và đã có những hiệu quả bước đầu.

Khi cánh đồng gần thu hoạch, đại diện doanh nghiệp đến xem lúa, thử mẫu và "thương lượng giá" với nông dân - câu chuyện được xem là hiếm trong chuyện liên kết từ trước tới nay.

Anh Nguyễn Văn Tự - Xã Mỹ Thuận, Hòn Đất, Kiên Giang cho biết: "Tới ngày nay nó vẫn tăng hơn, nhưng mình hài lòng vì đã chốt. Mình đã làm là giữ uy tín của mình đối với công ty, đã kí là phải làm, dù giá lên xuống cũng vẫn chấp nhận".

Kiên Giang là địa phương có diện tích cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích hơn 120.000 ha, tăng gần 50.000 ha so với năm 2022.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nhận định: "Sản xuất theo nhu cầu doanh nghiệp để doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm của nông dân sẽ được tiêu thụ tốt hơn, doanh nghiệp mua giá tốt hơn cũng như qui hoạch được các vùng tốt hơn. Người dân sẽ sản xuất theo đặt hàng".

Tín hiệu vui từ liên kết tiêu thụ lúa gạo - Ảnh 1.

Vai trò của hợp tác xã được đánh giá khá cao

Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp chỉ là hai trong nhiều nhân tố của chuỗi liên kết. Bên cạnh HTX, thương lái, nhà phân phối, tiêu thụ cùng sự hỗ trợ của nguồn lực Nhà nước, Viện trường, ngân hàng, kĩ thuật, ở đây, vai trò của HTX được đánh giá khá cao, khi có đến 37,5% HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị với các phần việc như làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, trực tiếp kí kết hợp đồng; liên kết cung ứng giống, vật tư, kĩ thuật.

Ông Trương Hữu Trí - Giám đốc Hợp tác xã Gòn Gòn, Long An chia sẻ: "Bản thân HTX phải có tư liệu sản xuất và con người tổ chức sản xuất thì mới có câu chuyện liên kết mua chung bán chung. Người dân hiện nay ai làm theo hướng của người nấy thì không thể quy tụ, đòi hỏi HTX phải có cách nhìn để gom lại, nắm được trọn trong tay mới gọi là liên kết".

Đồng bằng sông Cửu Long có đến 1.300 HTX lúa gạo, chiếm 52% tổng số HTX nông nghiệp toàn vùng. Tuy liên kết chuỗi giá trị có cải thiện nhưng qui mô liên kết được đánh giá là còn nhỏ, thiếu bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước