Lượng gạo tồn kho thấp, nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường có xu hướng tăng. Điều này đang mở ra cơ hội lớn cho ngành lúa gạo nước ta. Bên cạnh đó, tin vui là giá lúa ở ĐBSCL đã tăng trở lại, khiến bà con nông dân phấn khởi.
ĐBSCL đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân. 1 tuần nay, giá lúa tiếp tục tăng nhẹ. Giá tăng cộng thêm trúng mùa, năng suất đạt mỗi ha hơn 10 tấn nên phần đông nhà nông đang phấn khởi.
"Nói lời nhiều thì không lời nhiều nhưng nhờ năng suất lên cao nên năm nay mình thu hoạch được hàng tấn", bà Nguyễn Thị Bé Năm - xã Tân Phú, Tam Bình, Vĩnh Long chia sẻ.
Niềm lạc quan của ngành hàng lúa gạo Việt Nam càng lớn khi Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam vừa tăng chỉ tiêu nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, nâng quota nhập khẩu gạo nước ta trong năm 2024 lên 3,6 triệu tấn.
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta đã đạt gần 10 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết: "Thị trường Indonesia nếu mở như vậy, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam ổn định và cũng có nhiều khách hàng để đàm phán có giá được tốt hơn".
Hiện tại, doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng tiềm năng chuẩn bị cung ứng với giá cao hơn cả trăm USD/1 tấn so với cùng kỳ năm qua. Các doanh nghiệp đang sẵn sàng tư thế đón bắt cơ hội xuất khẩu đầy triển vọng.
Dưới tác động ảnh hưởng bởi El Nino và biến đổi khí hậu, nguồn cung về lương thực trên thế giới ngày càng khan hiếm. Ấn Độ chưa xuất khẩu gạo trở lại, Thái Lan cũng giảm lượng gạo xuất ra bên ngoài. Nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế ngành hàng lúa gạo, ổn định thế mạnh nông nghiệp đặc thù vùng châu thổ Cửu Long.
Để tận dụng hết cơ hội, theo Bộ Công Thương các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi nắm chắc thông tin, đảm bảo tốt nguồn hàng để đạt được mục tiêu xuất khẩu cao nhất trong năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!