Tình trạng bò nhập ngoại khiến người chăn nuôi "điêu đứng"

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 11/12/2022 21:26 GMT+7

VTV.vn - Cùng với nguy cơ dịch bệnh lây lan, không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng bò xâm nhập vào thị trường nội địa còn khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.

Trong khu vực chăn nuôi của gia đình anh Phạm Xuân Hòa tại phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, hiện tại, đàn bò của trang trại đã đạt tiêu chuẩn xuất chuồng. Tuy nhiên, giá cả xuống quá thấp, thậm chí giảm sâu, thương lái cũng không mặn mà. Tạm tính tổng chi phí cho mỗi con bò là từ 60-70 nghìn đồng/ngày. Như vậy, mỗi tháng chỉ riêng đàn bò 100 con này đã tiêu tốn của gia đình anh trên dưới 200 triệu đồng.

Anh Phạm Xuân Hòa, chủ trang trại Xuân Hòa, Tuyên Quang, cho biết: "Năm nay là năm thất thu, thiệt hại nặng nề trong chăn nuôi".

Nếu như mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình như của anh Hoà thiệt hại một thì những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, theo hướng trang trại như của chị Tuấn Anh ở Gia Lâm, Hà Nội còn thiệt hại gấp nhiều lần. Với việc nuôi duy trì trọng lượng, chi phí tính trên đầu 300 con trâu, bò đang trở thành sức ép cực lớn khó duy trì với trang trại này. Hiện trang trại không có kế hoạch tái đàn.

Đó là các mô hình chăn nuôi gần những nguồn tiêu thụ là trung tâm, thành phố lớn. Vậy ở những địa phương khác thế nào. Như tỉnh Thanh Hoá hiện có tổng đàn trâu, bò lên đến hơn 420 ngàn con. So với năm 2020, một con trâu, con bò trưởng thành được bán với giá 30 - 40 triệu đồng thì hiện nay, giá tiền giảm hẳn gần một nửa. Với các hộ nghèo vay mượn đầu tư đàn gia súc, rất có thể năm nay sẽ không có tết.

Chị Phạm Thị Son, xã Ngọc Liên, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nói: "Hiện tại đàn trâu của gia đình có con xuất thịt được rồi nhưng thị trường trâu rẻ quá mà không thấy thương lái đi mua cho nên ứ đọng lại nhiều lắm".

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 100% thì giá bán trâu bò lại giảm 40%. Sức ép quá lớn từ số lượng trâu bò nhập khẩu thiếu kiểm soát đã khiến cho việc đầu tư vào đàn bò không còn sức hấp dẫn với đa số các hợp tác xã, nông hộ.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, năm nay, lượng bò nhập qua các tháng không ngừng tăng, lợi nhuận chỉ rơi vào một bộ phận thương lái và các công ty nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Quảng Trị và Quảng Bình... tăng cường kiểm soát, kiểm dịch, xử lý tình trạng vận chuyển bò qua biên giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước