Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã nhận Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu hay còn gọi là thép mạ kẽm phủ sơn, bao gồm tôn lạnh màu, tôn kẽm màu của một số doanh nghiệp (DN) đại diện cho ngành sản xuất trong nước như Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Công ty CP Đại Thiên Lộc và Công ty CP Nam Kim...
Ngành tôn thép Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi vừa là sản phẩm xuất khẩu bị kiện nhiều nhất, nhưng cũng vừa đối mặt với lượng tôn thép giá rẻ được nhập ồ ạt. Việc yếu công cụ phòng vệ thương mại là bất lợi cho ngành thép. Trong khi đó, khủng hoảng công suất thừa đang đặt ra những thách thức lớn.
Tại hội thảo tổng kết thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ở TP.HCM vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ: “Những vụ kiện Phòng vệ thương mại từ các nước khác đã gây khó khăn cho doanh nghiệp thép Việt Nam trong thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình”.
Qua đó, ông Vũ Văn Thanh cũng đề xuất các giải pháp bao gồm: Các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất trong nước cần phải xích lại gần nhau hơn nữa để sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.Với sự cần thiết của việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp, hiệp hội cần sự giúp đỡ từ các Cơ quan chức năng bằng cách phổ biến kiến thức, đẩy nhanh tiến độ các vụ kiện phòng vệ thương mại với mục đích là sớm ra quyết định áp thuế. Đồng thời đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là phù hợp với các quy định quốc tế”.
Biện pháp phòng vệ thương mại được xem là cái van an toàn để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự tồn tại trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.