Kỳ 4: TP Hồ Chí Minh: Giải pháp an toàn an ninh đường thuỷ

Trần Hùng-Thứ sáu, ngày 18/03/2022 08:05 GMT+7

VTV.vn - Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải đường thủy vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh hiện có 92 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, khách du lịch với 308 phương tiện chở khách. Trong đó, có 9 tàu cao tốc chở khách tuyến cố định, 128 ca nô cao tốc chở khách du lịch theo hợp đồng chuyến; 78 tàu nhà hàng, phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông cùng 15 phà vận tải hành khách.

TP Hồ Chí Minh kiên quyết xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo về việc rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn hoạt động của các phương tiện thủy, bến phà, cảng, bến thủy nội địa và bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố. Sở GTVT yêu cầu Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố, Thanh tra Sở GTVT và Trung tâm Quản lý Đường thủy tuyên truyền vận động thực hiện Luật Giao thông Đường thủy nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan lĩnh vực hoạt động đường thủy đến chủ cảng, bến, chủ khai thác bến và người lái phương tiện.

Trước đó, ngay đầu tháng 3/2022, đoàn liên ngành đã đồng loạt tiến hành kiểm tra các bến khách ngang sông Cần Giuộc - Cần Giờ, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) và tuyến tàu cao tốc TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Kết quả cho thấy, các đơn vị quản lý cũng như thuyền trưởng chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông thủy. Hầu hết các phương tiện đều trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy, áo phao, phao cứu sinh, thuyền trưởng có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, phương tiện được đăng kiểm định kỳ...

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, tuy chưa có trường hợp vi phạm nhưng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải đường thủy vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục trong thời gian tới.

Kỳ 4: TP Hồ Chí Minh: Giải pháp an toàn an ninh đường thuỷ - Ảnh 1.

TP HCM kiên quyết xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy

"Ngoài đoàn kiểm tra liên ngành, Sở GTVT đã yêu cầu thanh tra sở, Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông thủy, tuyệt đối không cấp phép vào - rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện không đủ điều kiện an toàn - nhất là các phương tiện tại ga tàu thủy Bạch Đằng, ga tàu cao tốc Bạch Đằng, bến thủy đưa rước khách tại TP Thủ Đức, quận 7, huyện Cần Giờ, Nhà Bè" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh trao đổi.

Phòng Cảnh sát đường thủy công an TP Hồ Chí Minh cho biết các cơ quan chức năng đã bắt đầu ra quân đồng loạt kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động giao thông thủy sau chỉ đạo của Chính phủ: "Tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khi hoạt động trên tuyến thủy nội địa, đặc biệt là các lỗi nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn như sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện và người làm việc trên phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn...".

Giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 92 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, khách du lịch với 308 phương tiện chở khách. Trong đó, có 9 tàu cao tốc chở khách tuyến cố định, 128 ca nô cao tốc chở khách du lịch theo hợp đồng chuyến; 78 tàu nhà hàng, phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông cùng 15 phà vận tải hành khách.

Kể từ khi chính quyền TP Hồ Chí Minh nới lỏng biện pháp giãn cách, cho phép các hoạt động vận tải hoạt động trở lại thì tuyến bus đường sông số 1 đã nhận được sự ủng hộ tốt từ phía người dân, nhiều chuyến công suất hành khách đạt 90 – 100%, nhất là các chuyến tối. Quan sát thực tế cho thấy công tác đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện được duy trì chặt chẽ, nhuần nhuyễn.

Kỳ 4: TP Hồ Chí Minh: Giải pháp an toàn an ninh đường thuỷ - Ảnh 2.

Các hoạt động vận tải đường thuỷ hoạt động trở lại

Nhắc lại sự cố sau khi xảy ra vụ chìm ca nô khiến 17 người tử vong tại biển Cửa Đại - Quảng Nam, gây bàng hoàng dư luận vừa qua và vụ chìm một phần tàu cao tốc tại biển Cần Giờ gần 4 năm trước, ông Trần Song Hải – Tổng giám đốc Greenlines DP cho biết đã thay thế hoàn toàn 3 tàu composite loại cũ và thay thế bằng 5 tàu 2 thân với nhiều trang bị an toàn hiện đại. Song song đó là việc đào tạo huấn luyện một đội ngũ thuyền viên đầy đủ chuyên môn với mục tiêu đảm bảo tốt nhất an toàn cho hành khách trên tuyến đường thủy TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu.

"Chúng tôi hiểu rằng nếu có một tai nạn có thể đánh sập cả công ty và mình đang nắm sinh mạng của hàng trăm khách nên yêu cầu về an toàn phải được đặt lên cao nhất có thể. Tất cả tàu bên mình đều có hệ thống hải đồ điện tử và hệ thống ra đa chống va chạm cao hơn mức cần thiết khi vận hành trong luồng từ sông pha biển giữa TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu", ông Trần Song Hải nói.

Theo báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, 50-60% các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa có nguyên nhân do ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi chưa đi sâu đi sát, công tác tuyên truyền phổ biến cũng như kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành với chính quyền cấp phường, xã, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt thông qua các kênh thông tin truyền thống để người dân sớm cập nhật thông tin, nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời cần nhanh chóng hoàn chỉnh phần mềm quản lý dữ liệu về phương tiện, người lái…

Về quản lý bến đò ngang, bến khách ngang sông, Cảng vụ TP Hồ Chí Minh cần lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với UBND các phường, xã triển khai rà soát, hướng dẫn các thủ tục hỗ trợ quản lý tốt cảng bến, phương tiện và người lái để đảm bảo quản lý tốt các phương tiện vận tải thủy nội địa, đảm bảo an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Tăng cường bảo đảm an toàn vận tải hành khách đường thủy nội địa

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung và hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo nói riêng, đặc biệt ngăn ngừa không để xảy ra tai nạn giao thông tương tự, tại Công văn số số 1439/VPCP-CN ngày 7/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa trong tình hình mới; chỉ đạo các chủ công trình tổ chức quan trắc chuyên dùng trong giao thông vận tải và cung cấp thông tin khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn, Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước