TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 28 dự án tăng trưởng xanh

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 26/01/2024 07:07 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh vừa công bố kêu gọi đầu tư 28 dự án trong chương trình tăng trưởng xanh, với tổng vốn gần 160.000 tỷ đồng theo hình thức kết hợp công - tư.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Nhóm công tác chung giữa TP Hồ Chí Minh và World Bank tổ chức mới đây, các nhà đầu tư khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho TP Hồ Chí Minh trên hành trình chuyển đổi xanh, xây dựng thị trường tín chỉ carbon.

Trong tổng số 28 dự án kêu gọi đầu tư của TP Hồ Chí Minh lần này có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao, ở lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, trung tâm dữ liệu, cần thu xếp vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Nhóm hạ tầng có số vốn lớn nhất với hơn 97.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu trở thành khu công nghệ cao Net Zero đầu tiên của Việt Nam, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đang xây dựng tiêu chí tuyển chọn dự án đầu tư. Đồng thời đề xuất nhóm công tác chung tư vấn, xem xét triển khai thí điểm các công nghệ mới phù hợp với định hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh như mua bán điện trực tiếp, triển khai các công trình năng lượng mặt trời áp mái, mua bán tín chỉ carbon...

TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 28 dự án tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Một góc thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Ngay tại hội nghị, nhóm công tác chung đã đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp tại TP Hồ Chí Minh. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD, trong đó vốn vay World Bank là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TP Hồ Chí Minh.

Ông Marc Forni - Chuyên gia trưởng năng lượng thích ứng của đô thị, Ngân hàng thế giới cho biết: "Dự án sẽ tạo ra một hệ thống do TP Hồ Chí Minh quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải. Chúng tôi đã làm việc với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh, các sở ngành và doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh để xác định những ngành tiềm năng trong thực hiện tín chỉ carbon. Khi có tín chỉ rồi, World Bank sẽ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong tiếp cận thị trường quốc tế".

Chính quyền thành phố cho biết, đang cùng World Bank hoàn thành khung của thị trường tín chỉ carbon thấp trong quý I năm nay. Nghiên cứu triển khai các cơ chế vượt trội trong Nghị quyết 98, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, các thủ tục đầu tư theo phương thức đối tác công - tư…

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm thiết kế hoàn thiện cơ chế chính sách để làm sao huy động, phát huy các nguồn lực ngoài ngân sách. Các tổ chức quốc tế, trong nước, doanh nghiệp, nguồn tài trợ của doanh nghiệp, người dân… chúng tôi đều rất coi trọng. Chúng tôi không chỉ dựa vào Nghị quyết 98, mà còn dựa vào các quy định cho phép với tinh thần TP Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế chính sách".

Ngoài tập trung trước mắt cho dự án xây dựng đô thị carbon thấp trong các lĩnh vực ưu tiên, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực cho dự án cấp bách là quản lý ngập ở TP Thủ Đức với mục tiêu trở thành hình mẫu thành phố xanh, bền vững và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước