TP Hồ Chí Minh "mở cửa" kinh tế đêm

VTV Digital-Thứ ba, ngày 16/04/2024 14:00 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh được mệnh danh là một “thành phố không ngủ” với sức hút kỳ lạ vào ban đêm cùng nhiều tiềm năng chờ khai phóng.

Thành phố không ngủ

Tại TP Hồ Chí Minh, kinh tế ban đêm đang là "mỏ vàng" chưa được khai thác đúng mức. Theo tính toán, cứ thêm 4 giờ đồng hồ thì kinh tế ban đêm có thể đóng góp từ 5 - 8% GDP của thành phố. Từ quán nhỏ bên đường cho đến những nhà hàng xa hoa, thành phố hiện có hơn 32.000 cơ sở ăn uống, hàng vạn tiểu thương và người lao động phục vụ kinh tế đêm một cách rất đặc trưng.

Chị Đặng Thảo Như - Tiểu thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tiệm đồ uống di động chính là sinh kế của gia đình. Mỗi tháng chị thu hơn 100 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình 5 thành viên. Thời gian họ làm việc chủ yếu vào ban đêm. "Em tập trung bán ở đây thôi không có công việc nào khác. Chiều em bán từ 2h đến đêm khuya", chị Đặng Thảo Như chia sẻ.

Những nhà hàng nổi 5 sao hay cơ sở ăn uống đậu dọc sông Sài Gòn hầu hết cũng chỉ mở cửa vào ban đêm để đón khách.

Ông Nguyễn Hải Linh - Chủ tịch Elisa Group - TP Hồ Chí Minh cho biết: "Việc phát triển kinh tế đêm là nhu cầu bức thiết. Đơn giản chúng ta thấy là ban ngày khách du lịch chủ yếu người ta đi thăm quan. Buổi tối mới là lúc người ta chi tiêu"

"Đặc biệt là khách du lịch Âu, Mỹ, họ lệch múi giờ với Việt Nam nên rất thích chơi thâu đêm. Nếu có các khu vực kinh tế đêm để khai thác sẽ rất tốt vì khách du lịch châu Âu và châu Mỹ họ rất chịu chi tiêu", ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương - TP Hồ Chí Minh nói.

TP Hồ Chí Minh mở cửa kinh tế đêm - Ảnh 1.

Nhu cầu chi tiêu của du khách tại TP Hồ Chí Minh vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour. Ảnh: TTXVN.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhu cầu chi tiêu của du khách tại thành phố vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour, trong khi ban ngày chỉ chiếm khoảng 30%.

Kinh tế đêm đang được TP Hồ Chí Minh coi là động lực phát triển mới. Nhiều địa phương, quận huyện, đang liên tục đề xuất xây dựng các mô hình kinh tế ban đêm.

Vui buồn phố ẩm thực

Các mô hình kinh tế đêm ở TP Hồ Chí Minh có thể soi chiếu bài học từ một mô hình tương tự đó là mô hình các tuyến phố đặc trưng, phố chuyên doanh như phố ẩm thực, phố thời trang, phố sức khỏe... Nhiều tuyến phố thành công, nhưng cũng không ít nơi lúc đầu mở ra rất đông khách, sau lại phải âm thầm đóng cửa vì thất bại. Mô hình Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3 là một ví dụ.

1 năm trước, mọi người đã trang hoàng lại tuyến phố Nguyễn Thượng Hiền với kỳ vọng con phố sẽ trở thành một con đường chuyên về "ẩm thực". Phường đầu tư cho các hộ kinh doanh những bảng hiệu và bàn ghế để việc kinh doanh trên con đường thêm quy cũ. Ngày khai trương, ai cũng phấn khởi. Kỳ vọng khi thành phố ẩm thực, việc kinh doanh của hơn 100 hộ dân sẽ khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, hiện tại tuyến phố rơi vào tình trạng đóng cửa, ế khách. Chưa kịp vui mừng, có người đã bật khóc khi phải dẹp tiệm để cắt lỗ. Câu chuyện có lẽ cũng sẽ khiến mọi người suy ngẫm về việc tổ chức những khu phố đêm, phố ẩm thực hay phố chuyên doanh.

Thực tế cho thấy, ngoài ý chí chủ quan và mệnh lệnh hành chính, những mô hình trên còn cần thêm nhiều yếu tố để tồn tại và phát triển.

"Mở cửa" kinh tế đêm

TP Hồ Chí Minh đã giao các Sở Ban ngành xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Các mô hình kinh tế đêm đã được thành phố chấp thuận chủ trương gồm có: Thứ nhất là Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch tại quận 7; Thứ hai là Tổ hợp kinh tế đêm khu vực Quận Phú Nhuận - trung tâm là đường Phan Xích Long.

Ngoài ra còn có một số đề án đang được xem xét như thí điểm 5 mô hình kinh tế đêm tại 5 trục đường chính ở quận 1; Đề án Phố Đêm Chợ lớn ở quận 6 và đề án Phố đêm Trung Sơn ở huyện Bình Chánh.

Trong bối cảnh đó, một số mô hình kinh tế đêm đã triển khai có hiệu quả thời gian qua, đang truyền cảm hứng cho chủ trương chung của thành phố. Người dân và các doanh nghiệp đang rất mong chờ, chính quyền thành phố sớm hoàn thiện đề án phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, để hiện thực hóa những lợi thế sẵn có.

TP Hồ Chí Minh mở cửa kinh tế đêm - Ảnh 2.

Phố đi bộ Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 luôn nhộn nhịp hàng đêm. Ảnh: VGP.

Chợ đêm An Sương ở quận 12 đã mở cửa từ tháng 9/2023. Đến nay mỗi ngày vẫn đông đúc vơi lượng khách ổn định khoảng 3.000 lượt mỗi đêm.

Ông Võ Quốc Duy - Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các quận huyện lân cận ở đây chưa có chợ đêm, nên khi mở ra chợ đêm này thu hút rất đông bà con ở các nơi khác đến đây".

Chợ đêm quận 12 thành công vì phục vụ được chính nhu cầu của người dân địa phương. Vì cả khu vực thiếu nơi vui chơi, mà di chuyển lên trung tâm thành phố thì xa. Thêm vào đó là giá cả phải chăng, phù hợp với phần lớn cư dân vùng ven.

Tiến sĩ Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Kinh tế đêm muốn thực sự trở thành một thành phần kinh tế để đóng góp cho một địa phương thì nó phải phục vụ cho các cư dân của địa phương đấy. Như khách du lịch họ đến chỉ muốn được trải nghiệm những dịch vụ mà người dân địa phương ở đấy họ cũng trải nghiệm".

Còn tại trung tâm thành phố, mỗi mô hình kinh tế đêm thành công đều có đặc trưng riêng. Phố đi bộ Bùi Viện nổi tiếng vì là phố Tây đã có từ thế kỷ trước và là sinh kế chính của người dân ở đây. Theo thống kê, con phố này mỗi đêm đón từ 1.000 - 1.500 lượt khách. Ngày lễ tết nhiều gấp 4 - 5 lần. Theo Chi cục Thuế, doanh thu các hộ kinh doanh ở đây đã tăng từ 30 - 50% từ khi trở thành phố đi bộ.

Còn Phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ khi thành lập đã nổi tiếng là nơi tổ chức các sự kiện, không gian vui chơi của gia đình và giới trẻ. Doanh thu dịch vụ các cửa hàng ban đêm ở đây ước đạt khoảng 8 tỷ đồng/ngày.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay: "Quy hoạch nó phải phù hợp không phải các địa phương cứ nơi nào muốn tổ chức phố đi bộ, phố ẩm thực thì đều tổ chức được. Nó phải chung một quy hoạch hài hòa với nhau".

Đương nhiên, sự phát triển nào cũng đi đôi với thách thức quản lý. Sở Công Thương vừa đề nghị Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Viện nghiên cứu phát triển thành phố hoàn thiện đề án Phát triển kinh tế đêm. Rất nhiều đề xuất cũng đang được gửi Trung ương mong có cơ chế đột phá, quy định rõ các loại hình dịch vụ, giờ giấc phạm vi hoạt động để mong sớm khai thác kinh tế đêm một cách bài bản và bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước