TP.HCM có gần 13.000 địa chỉ nhà đất công với diện tích hàng triệu m2 do nhiều đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện quản lý. Tuy nhiên, qua thanh tra một phần, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong quản lý nhà đất công trên địa bàn thành phố, trong đó, vi phạm lớn nhất khiến thất thu hàng ngàn tỉ đồng ngân sách là tình trạng cho thuê và bán chỉ định nhà đất công không thông qua Thường trực HĐND, không đấu giá theo quy định.
Khu đất 3 mặt tiền ở số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, được UBND TP.HCM giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ cho thuê cao cấp. Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua khu đất này chỉ là bãi đất trống dùng để cho thuê gửi xe. Đây cũng là khu "đất vàng" điển hình của nhiều sai phạm trong quản lý nhà đất công như không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư, không đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua Thường trực HĐND tại phiên họp gần nhất dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đây cũng là quan điểm chung của TP.HCM trong việc xử lý các sai phạm đất công trên địa bàn thời gian qua.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nói: "Đối với đất sẽ đấu giá để tạo ra nguồn vốn cho thành phố. Theo Nghị quyết 54 những trường hợp đất của Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn thành phố chưa có nhu cầu sử dụng cần phải bán đấu giá, thành phố sẽ được để lại 50% nguồn bán này dành cho đầu tư phát triển".
Thực tế quy định phải bán đấu giá đất đã có, do vậy theo các chuyên gia chỉ cần cơ quan quản lý làm đúng, bán nhà đất công phải qua đấu giá tự khắc mọi việc sẽ minh bạch.
Chuyên gia kinh tế Fullbright khẳng định, đấu giá đất là cần thiết, giúp thành phố có thêm nguồn lực để giải quyết rất nhiều điểm nghẽn hiện nay như: ngập lụt, tắc nghẽn đô thị, hạ tầng giao thông…
Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu lớn hơn cho ngân sách, việc đấu giá đất sẽ còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện các thủ tục tổ chức đấu giá được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất. Theo báo cáo từ UBND TP.HCM, trong 5 năm qua, trung tâm này đã bán đấu giá khoảng 20 khu đất, thu về cho ngân sách gần 4.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2018, thành phố sẽ tiếp tục đấu giá thêm 28 khu đất nữa.
Các chuyên gia cho biết, việc đấu giá cần thiết nhưng để thành công TP.HCM cần tổ chức đấu giá công khai minh bạch và đi vào thực chất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!