“Trải nghiệm đặc quyền” - Hướng đi tạo sức hút riêng của các ngân hàng

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 03/07/2022 10:27 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh các ngân hàng tăng lãi suất huy động để tăng lượng tiền gửi thì các hướng đi khác biệt lại tạo nên sức hút riêng và trong số đó là trải nghiệm đặc quyền.

Trải nghiệm đặc quyền nâng cao hiệu quả thu hút tiền gửi

Trải nghiệm đặc quyền là khi bạn là khách hàng có lượng tiền gửi lớn, tuỳ theo quy định của mỗi ngân hàng, bạn sẽ trở thành khách hàng được ưu tiên và sẽ được hưởng các ưu đãi như có đội ngũ tư vấn riêng, chuyên nghiệp hơn, phòng chờ thương gia, hệ thống điểm thưởng, hay các giải pháp tài chính và trải nghiệm cuộc sống cao cấp hơn. Mục đích của dịch vụ này không gì khác hơn là để thu hút nhiều hơn nữa những khách hàng có tiềm lực lớn.

Là khách hàng thuộc diện ưu tiên của ngân hàng, anh Sỹ (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khi cần giao dịch trực tiếp được sử dụng một phòng giao dịch riêng và không mất nhiều thời gian chờ đợi. Đây chỉ là một trong nhiều quyền ưu tiên của khách hàng cao cấp.

"Nếu các ngân hàng cung cấp những dịch vụ như vậy mình nghĩ khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn hơn. Dịch vụ mang lại trải nghiệm kiểu cao cấp hơn, thoải mái hơn, không có nhiều người ở điểm giao dịch, vào gặp nhân viên xử lý sẽ nhanh, tiện hơn nhiều", anh Sỹ chia sẻ.

“Trải nghiệm đặc quyền” - Hướng đi tạo sức hút riêng của các ngân hàng - Ảnh 1.

Phân khúc khách hàng cao cấp là mảng thị trường béo bở mà ngân hàng nào cũng muốn có phần.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho hay: "Lãi suất khi gửi tiết kiệm thì mặc định là cộng thêm 0,1%. Đặc biệt tôi rất hay đi công tác, ngân hàng có phòng chờ miễn phí ở sân bay, làm cho em cảm giác muốn tiếp tục sử dụng thêm các sản phẩm".

Đại diện một ngân hàng cho biết, dịch vụ ngân hàng ưu tiên bắt đầu triển khai cách đây 3 năm. Từ con số 68.000 khách ưu tiên của năm 2019, đến năm 2021, con số này đã tăng gần 3 lần. Dự báo đến hết năm nay sẽ tiếp tục tăng gấp đôi cán mốc 400.000 khách ưu tiên.

"Phân khúc khách hàng cao cấp với tốc độ phát triển rất nhanh chóng của thị trường sẽ tiếp tục là trọng tâm của ngân hàng. Chúng tôi sẽ tập trung vào cả 2 nhóm dịch vụ tài chính và phi tài chính. Trong nhóm tài chính vẫn tiếp tục phát triển dịch vụ về quản lý tài sản cho khách, dựa trên khẩu vị, nhu cầu để đưa ra lời khuyên; đồng thời sẽ có những điểm cá nhân hóa trong sản phẩm dịch vụ, dựa trên chân dung khách hàng", bà Nguyễn Thùy Linh - Trưởng Phòng Cao cấp Quản lý Phân khúc Khách hàng ưu tiên, VP Bank cho biết.

Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế Knight Frank, lượng người giàu tại Việt Nam - tương ứng mức tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên sẽ tăng gần 60% sau 4 năm nữa. Do đó phân khúc khách hàng cao cấp là mảng thị trường béo bở mà ngân hàng nào cũng muốn có phần. Trong đó nhóm dịch vụ tài chính theo hướng quản lý tài sản và tư vấn đầu tư cho nhóm khách ưu tiên sẽ là "gà đẻ trứng vàng".

"Priority banking" tại Singapore - đặc quyền dành cho người "có tiền"

Ở Việt Nam loại hình dịch vụ "trải nghiệm đặc quyền" chưa phải thực sự là rộng rãi, nhưng ở nước ngoài vốn đã khá phổ biến. Ở nước ngoài loại hình dịch vụ này hay được gọi là Priority Banking - nôm na là dịch vụ ngân hàng ưu tiên. Như ở Singapore, priority banking chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu.

Để tham gia gói dịch vụ này, bạn cần có tối thiểu 70.000 SGD (khoảng hơn 1,2 tỷ đồng). Dĩ nhiên đây là mức tối thiểu, tuỳ ngân hàng vì có những ngân hàng có mức yêu cầu cao hơn nữa, có thể gấp vài lần mức này.

Sau đó, bạn không phải xếp hàng khi đến quầy (thông thường có thể tiết kiệm nửa tiếng đến 1 tiếng ở các ngân hàng Singapore) và sẽ có nhân viên phụ trách quan hệ riêng để hỗ trợ đầu tư tài sản.

Trải nghiệm khách hàng ưu tiên tại Mỹ

Tại Mỹ, các khách hàng của một số ngân hàng lớn cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt, trải khắp nhiều lĩnh vực như giải trí, giáo dục và du lịch.

Những khách hàng của công ty tài chính American Express, ngoài các dịch vụ ngân hàng hay bảo hiểm, còn được hưởng ưu đãi tới các sự kiện giải trí thượng lưu của thành phố New York, trong đó có các vở nhạc kịch trứ danh Hamilton và cả triển lãm tranh Van Gogh. Một số khách hàng VIP còn được truy cập quyền mua vé trước khi mở bán vé chính thức.

Ngân hàng JP Morgan Chase liên kết với nền tảng đặt chỗ tại các nhà hàng hạng sang và các khách hàng của ngân hàng này, bao gồm chủ sở hữu thẻ Chase Sapphire Reserve được hưởng ưu đãi đặt chỗ trước tại các sự kiện ẩm thực sang trọng ở các nhà hàng nổi tiếng tại Chicago, Washington DC và Los Angeles.

Ngân hàng Mỹ Bank of America thì bắt tay với một số bảo tàng nổi tiếng. Chủ sở hữu thẻ tín dụng của ngân hàng này chỉ cần trình thẻ cùng với giấy tờ tuỳ thân để được vào cửa miễn phí tại các sự kiện triển lãm đặc biệt, những show diễn có bán vé và cả những sự kiện quyên góp từ thiện.

“Trải nghiệm đặc quyền” - Hướng đi tạo sức hút riêng của các ngân hàng - Ảnh 2.

Tại Mỹ, các khách hàng của một số ngân hàng lớn cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua)

Rõ ràng nguồn khách hàng ưu tiên, khách hàng VIP, càng trở nên quan trọng với các ngân hàng trong bối cảnh có nhiều biến động trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngân hàng. Trong và sau các đợt biến động như vậy, các ngân càng phải tung ra các dịch vụ đặc biệt để thu hút vốn bù đắp cho sự sụt giảm vốn đầu tư và tiền gửi.

Đổi lại, khách hàng VIP sẽ có nhiều cơ hội để thương lượng với các ngân hàng về lãi suất, tỷ giá, phí và lệ phí... là những thứ mà thông thường thì ngân hàng sẽ áp đặt một chiều đối với các khách hàng "bình dân" khác. Rõ ràng đây là cuộc chơi có lợi cho cả đôi bên và hứa hẹn sẽ là một cuộc đua hấp dẫn giữa các ngân hàng trong những năm tới.

Vậy cần lưu ý gì trong chiến lược "trải nghiệm đặc quyền" mà các ngân hàng Việt Nam đang triển khai để có thể nâng cao hiệu quả của hướng đi này? Các ngân hàng Việt Nam dựa vào đâu để đánh giá một khách hàng cần có bao nhiêu tiền để được gọi là VIP? Cách các ngân hàng nước ngoài tạo giá trị VIP cho khách hàng có gì khác với các ngân hàng Việt Nam ở thời điểm này?

Xung quanh các nội dung trên, chương trình Dòng chảy tài chính với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Mùi - Chuyên gia tài chính ngân hàng, nguyên Giám đốc Trường đào tạo và phát triển Nguồn nhân lực Vietinbank và ông Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite Pr School, Giám đốc điều hành và tư vấn CSCI Indochina group - đã có những phân tích, bình luận chi tiết!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước