Tràn ngập đánh giá giả trên các sàn thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 26/09/2020 11:49 GMT+7

VTV.vn - Lợi dụng xu thế mua hàng trực tuyến đang phát triển, nhiều người bán hàng trên các trang TMĐT đã dùng đủ mọi phương thức, thậm chí "chiêu trò" để cạnh tranh với nhau.

Theo kết quả nghiên cứu hành vi người dùng Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu Spiegel thuộc Đại học Northwestern, các bài đánh giá trực tuyến có khả năng tăng tỷ lệ mua hàng 380% - một miếng mối quá béo bở.

Sàn thương mại điện tử Amazon tràn ngập đánh giá giả

Có một vấn đề đang "âm thầm" xảy ra trên các sàn thương mại điện tử, điển hình là Amazon, đó là "review giả".

Trong một cuộc điều tra mới đây của CNBC, cụ thể, người bán hàng trên Amazon sẽ liên lạc với bên chuyên viết đánh giá qua mạng xã hội. Họ đưa ra trao đổi, ở đây là tiền hoặc quà tặng để bên viết đánh giá "giả vờ" mua hàng, sau đó đánh giá 5 sao cho sản phẩm, và đưa ra những nhận xét vô cùng tốt, kể cả khi chất lượng của sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Theo nghiên cứu của BuzzFeed, tăng 1 sao trong xếp hạng sản phẩm trên Amazon sẽ giúp doanh số bán hàng tăng đến 26%.

Tràn ngập đánh giá giả trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Nền kinh tế review giả trên Amazon từng thịnh vượng trong các nhóm riêng tư trên nhiều mạng xã hội. Giờ đây những cuộc "đi đêm" giữa người bán hàng và bên chuyên viết review ngày một phổ biến trên mạng xã hội Facebook, hay Twitter. Chỉ cần tìm kiếm Amazon reviewer (đánh giá trên Amazon), kết quả sẽ cho ra hàng loạt các bài viết, trong các nhóm riêng tư, mời gọi mọi người nhận xét, đổi lại sẽ được nhận quà tặng.

"Hệ thống đánh giá giờ không còn đáng tin cậy"

Đánh giá sản phẩm là một trong những tính năng có mặt những ngày đầu trên Amazon, giúp người dùng dựa vào đó để xác định chất lượng và tính xác thực của sản phẩm thông qua những bài bình luận và "chấm điểm" bằng số sao.

Trong bối cảnh nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng hơn 57% vì đại dịch, số lượng các đánh giá giảtrên nền tảng này cũng tăng vọt hơn 70%. Tuy nhiên, độ xác thực của các đánh giá này hiện đang khiến nhiều người mua phải quan ngại.

Anh Saoud Khalifah, nhà sáng lập và CEO công ty Fakespot, cho biết: "Hệ thống đánh giá giờ không còn đáng tin cậy. Trước khi dịch bệnh xảy ra, mức trung bình các bài đánh giá giả trên Amazon là 30%. Tuy nhiên, giờ con số này đã tăng lên 35-40%".

Những mánh khỏe như vậy thường xuất hiện trên các mạng xã hội, như Facebook. Vào tháng 7, các chuyên gia của đại học California ở Los Angeles và Đại học Nam California công bố nghiên cứu cho thấy, trung bình có hơn 20 nhóm trên Facebook được tạo ra mỗi ngày, để kết nối các doanh nghiệp với những người sẵn sàng đánh giá sản phẩm. Mỗi nhóm có trung bình 16 nghìn thành viên, thực hiện khoảng hơn 560 bài đăng mỗi ngày. Doanh nghiệp sẵn sàng tặng sản phẩm và trả tiền thù lao, khoảng hơn 6 USD, hơn 140.000 đồng cho một đánh giá tích cực.

Tràn ngập đánh giá giả trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Bà Joy Kosak, đồng sáng lập công ty Simple Wishes, nói: "Chúng tôi không thể đấu lại đội quân đấy. Chúng tôi không thể giới thiệu những dòng sản phẩm tốt, chất lượng dành cho mẹ và bé, bởi vì các đối thủ đang sử dụng chiêu thao túng đánh giá sản phẩm".

Theo các chuyên gia, những bài đánh giá "giả" sẽ thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm không an toàn, đồng thời làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của những người buôn bán hợp pháp.

Hãng tin BBC mới đây đã chỉ ra một thực tế là sàn thương mại điện tử Amazon đang bị lạm dụng bởi những người bán hàng độc lập, những người thường xuyên dùng đánh giá 1 sao để hãm hại đối thủ.

Các đánh giá 1 sao này khá nghiêm trọng bởi cho dù bạn có được 50 đánh giá 5 sao, chỉ cần 1,2 đánh giá 1 sao là điểm đánh giá trung bình sẽ tụt xuống. BBC đã dẫn chứng một số trường hợp người bán hàng trên Amazon đã gặt hái kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian đầu, rồi sau đó phải đối mặt với cơn bão đánh giá 1 sao không rõ nguyên nhân, doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí là phải nghỉ bán.

Việc mua "review giả" để tăng thứ hạng không chỉ gây ảnh hưởng đến những người mua sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến các công ty bán các sản phẩm thật sự chất lượng và tuân thủ đúng luật. Ví dụ điển hình là hãng thể thao Nike và một số nhãn hàng nổi tiếng đã quyết định ngừng bán sản phẩm trên Amazon, do tác động bởi các đánh giá "không trung thực".

Nói về phía Amazon, từ năm 2016, tập đoàn này đã có quy định cấm người bán hàng trả tiền, hay gửi tặng phẩm cho người đánh giá. Ngoài ra, công ty cũng mạnh tay đầu tư vào trí tuệ nhân tạo AI và đội ngũ kiểm duyệt giàu kinh nghiệm để phân tích hơn 10 triệu bài đánh giá hàng tuần, nhằm chặn các bài đánh giá giả mạo, hoặc bị lạm dụng trước khi chúng được xuất bản. Những trường hợp có hành vi làm giả "review" khi bị phát hiện cũng sẽ bị Amazon xử phạt vô cùng nặng tay - từ cấm bán hàng vĩnh viễn trên Amazon đến việc xử lý pháp lý.

Tràn ngập đánh giá giả trên sàn thương mại điện tử Amazon Tràn ngập đánh giá giả trên sàn thương mại điện tử Amazon

VTV.vn - Người dùng phải hết sức cẩn trọng trước khi ấn nút "mua" khi trên Amazon tràn ngập đánh giá giả.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước