Tranh cãi về sắc lệnh hỗ trợ thất nghiệp do Tổng thống Trump ký

Việt Linh-Thứ ba, ngày 11/08/2020 05:54 GMT+7

VTV.vn - Những sự phản đối và hoài nghi về hiệu lực của các sắc lệnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới ký đã được dấy lên.

Được ký ngày 8/8, 4 sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump được trông đợi sẽ kéo dài một phần hỗ trợ cho người dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi cuộc đàm phán về gói ngân sách cứu trợ mới tại Quốc hội đang tiếp tục bế tắc. Trước đó, ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ sớm hành động - một động thái có thể giúp ông ghi điểm trong mắt cử tri trước thềm bầu cử.

"Virus đang tiếp tục hoành hành, nhưng một số người trong Quốc hội không muốn hành động. Nếu phe Dân chủ tiếp tục trì hoãn gói cứu trợ này, tôi sẽ hành động bằng quyền hạn của Tổng thống để mang nó đến cho người dân Mỹ", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.

Tranh cãi về sắc lệnh hỗ trợ thất nghiệp do Tổng thống Trump ký - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Động thái của Tổng thống Trump ngay lập tức nhận phản ứng gay gắt từ phía Đảng Dân chủ. Trả lời CNN, Chủ tịch Hạ viện Nansi Pelosi đã gọi đây là một "sai lầm vi hiến", cho rằng những điều khoản trong các sắc lệnh này đi ra khỏi thẩm quyền hành pháp của Tổng thống. Báo chí Mỹ cũng đã có những phân tích về hiệu lực của các sắc lệnh này.

Một trong số các sắc lệnh của Tổng thống Trump quy định, cho phép hoãn nộp các khoản thuế tiền lương cho tới hết năm nay, đối với người lao động có thu nhập bình quân hàng năm từ 104.000 USD trở xuống. Theo Forbes, do cả nước Mỹ đang trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch, Chính phủ có thể có thẩm quyền cho hoãn đóng thuế trong điều kiện này.

Tuy nhiên, việc tạm dừng thu khoản thuế này có thể gây ảnh hưởng đến ngân sách cho các chương trình phúc lợi gồm y tế Medicare và Quỹ An sinh xã hội - một vấn đề đã bị Đảng Dân chủ liên tục chỉ trích.

Tranh cãi về sắc lệnh hỗ trợ thất nghiệp do Tổng thống Trump ký - Ảnh 2.

Lao động mất việc chờ xếp hàng để nộp đơn thất nghiệp tại Trung tâm lực lượng lao động Arkansas ở Fort Smith, Arkansas. (Ảnh: Reuters)

Đáng chú ý nhất và cũng gây tranh cãi nhất trong gói biện pháp của Tổng thống Trump chính là việc cấp 400 USD/tuần trợ cấp thất nghiệp bổ sung cho người lao động. Trong đó, 75% sẽ được Chính phủ Liên bang chi trả và 25% còn lại yêu cầu từ các bang.

Tuy nhiên, do khoản trợ cấp bổ sung từ Quốc hội đã hết hiệu lực, ông Trump sẽ phải phân bổ ngân sách từ các nguồn khác cho gói hỗ trợ này - một điều hoàn toàn có thể bị thách thức tại tòa án. Các bang cũng sẽ phải thiết lập một hệ thống ngân sách mới để đáp ứng phần 25% nói trên và có thể mất nhiều tháng để thực hiện.

Ngay cả khi không gặp trở ngại pháp lý nào, theo báo chí Mỹ, hiệu lực từ các sắc lệnh của Tổng thống Trump vẫn là khá giới hạn và như chính ông thừa nhận, giải pháp then chốt vẫn sẽ nằm tại Quốc hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước