Khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, phương thức giải quyết tranh chấp mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên là thương lượng (57,8%), tòa án (46,8%), hòa giải (22,8%) và cuối cùng mới là trọng tài (16,9%).
“Khi đàm phán, doanh nghiệp chỉ quan tâm nhiều đến các điều khoản về nội dung như tên hàng, giá cả, thời hạn giao hàng, trong khi nhóm điều khoản giải quyết tranh chấp thường dành ít thời gian để đàm phán” - Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết.
Thực tế trên thế giới, các doanh nghiệp lại ưu tiên chọn trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp thương mại. Khi doanh nghiệp chọn tòa án, trong nhiều trường hợp, thời gian giải quyết và chi phí trong quá trình tranh tụng còn cao hơn việc chọn xử lý thông qua trọng tài quốc tế. Bên cạnh đó, những phán quyết của trọng tài quốc tế lại được chấp nhận trên quy mô toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được đưa ra, đó là hỗ trợ của tòa án đối với phán quyết của trọng tài viên.
“Theo tôi, các quy định của Việt Nam là rất cập nhật với quốc tế, nhưng quan trọng là việc thực thi như thế nào để tòa án phải hiểu được những nguyên tắc hoạt động của trọng tài quốc tế” - ông Joe Liu - Trung tâm trọng tài quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) khuyến nghị.
Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã có 12 trung tâm trọng tài quốc tế với hơn 350 trọng tài viên. Trong thời gian vừa qua, các trung tâm trọng tài Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan phát triển mậu dịch Hong Kong (Trung Quốc), hay Trung tâm trọng tài Singapore để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tính ưu việt khi sử dụng trọng tài trong các vụ tranh chấp.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!