Thật chua chát khi chính trưởng ban trọng tài, ông Nguyễn Văn Mùi phải thừa nhận một thực tế là trọng tài nước ngoài thì sẽ được cầu thủ tôn trọng hơn. Vậy một trọng tài nước ngoài thì có gì hơn các đồng nghiệp của họ người Việt Nam để đến mức như vậy? Dưới đây chính là những điểm khác biệt:
Phản ứng thái quá: Nếu một sai lầm hoặc một tình huống tranh cãi xảy ra, trọng tài Việt Nam dễ dàng nhận được những phản ứng thái quá, thiếu văn hóa từ đội bóng chịu thiệt thòi. Trong khi đó mọi phản ứng của các đội bóng quốc tế dù dữ dội cũng luôn nằm trong giới hạn của những ứng xử văn hóa thông thường vì họ biết sẽ chẳng ích lợi gì ngoài một án phạt nặng hơn.
Độc lập về công việc: Các trọng tài nước ngoài phần lớn có một công việc và thu nhập độc lập và trọng tài là nghề tay trái. Trong khi đó nhiều trọng tài Việt Nam thuộc về biên chế của các sở thể thao nào đó ví dụ như trọng tài Trần Trung Hiếu đang phụ trách lứa cầu thủ U14 của Nam Định. Đương nhiên sự chi phối với họ khi bước ra sân sẽ cao hơn các trọng tài quốc tế.
Thể lực: Đây được xem là vấn đề yếu kém rõ ràng nhất về mặt chuyên môn khi so sánh trọng tài Việt Nam với trọng tài quốc tế. Những bài kiểm tra về thể lực luôn là nỗi ám ảnh với các trọng tài trong nước trước và giữa mỗi mùa bóng. Lần gần đây nhất, giữa mùa giải 2014, 7 trọng tài đã bị loại vì không thể đáp ứng được yêu cầu này
Bản lĩnh: Bản thân các trọng tài Việt Nam cũng tự mình khuyến khích cho những phản ứng của các cầu thủ hơn khi họ không ít lần thay đổi quyết định của mình trước sức ép ở trên sân.
Giải quyết khủng hoảng: Mỗi khi có một sự cố tranh cãi trên sân cỏ xảy ra, phản ứng thường thấy ở bóng đá nước ngoài là Ban trọng tài sẽ im lặng làm công việc của mình và tránh tham gia vào những cuộc tranh cãi trên báo chí, và đặc biệt là không đưa ra những tuyên bố chỉ trích trọng tài. Ở Việt Nam người ta luôn thấy điều ngược lại.
Quý vị và các bạn có thể theo dõi câu chuyện nêu trên qua VIDEO dưới đây: