Triển vọng cho việc mở rộng hoạt động sản xuất chip nội địa tại Mỹ

Thanh Hiệp-Thứ sáu, ngày 26/02/2021 06:28 GMT+7

VTV.vn - Tại Mỹ, các nỗ lực nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn của chính quyền Tổng thống Biden đang nhận được những phản hồi tích cực.

Động thái của chính quyền Tổng thống Biden ngay lập tức đã nhận được sự chào đón của các công ty sản xuất ô tô Mỹ, vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn. Nhiều quan chức Mỹ cũng ủng hộ các biện pháp mới, được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ Mỹ.

"Các biện pháp này sẽ giúp chúng ta duy trì khả năng tự bảo vệ mình và cạnh tranh với Trung Quốc, bởi họ đang tăng tốc mạnh mẽ với tham vọng sản xuất những sản phẩm tiên tiến vào năm 2025", ông John Cornyn - Thượng nghị sĩ Mỹ bang Texas nói.

Theo các số liệu thống kê từ BCG, năng lực sản xuất chip của Mỹ đã suy yếu trong nhiều thập kỷ qua. Mặc dù vẫn chiếm tới 47% doanh số chip toàn cầu, đóng góp của Mỹ vào sản lượng chất bán dẫn của toàn thế giới đã giảm mạnh từ mức 37% vào năm 1990, xuống chỉ còn 12%, bị bỏ xa bởi các đối thủ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc.

Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ và có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 15 tỷ USD trong năm nay.

Triển vọng cho việc mở rộng hoạt động sản xuất chip nội địa tại Mỹ - Ảnh 1.

Theo các số liệu thống kê từ BCG, năng lực sản xuất chip của Mỹ đã suy yếu trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, ngay từ trước đó, nhiều chuyên gia đã cho rằng, cho dù việc đầu tư được tăng cường, tình hình cũng không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Bởi hoạt động sản xuất chip đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Chi phí đắt đỏ của các nhà máy tại Mỹ cũng sẽ là một vấn đề lớn.

Ông Daniel Ives - Giám đốc điều hành Công ty Wedbush Securities cho biết: "Chúng ta có thể thấy một số thay đổi ở Mỹ, bao gồm các khoản hỗ trợ về thuế và điều này có thể mang lại một số việc làm mới. Nhưng theo cách thức hoạt động của các chuỗi cung ứng hiện nay sẽ rất khó cho các nhà máy xây dựng tại Mỹ có thể cạnh tranh về chi phí với châu Á".

Trong bối cảnh đó, việc hợp tác với các đối tác để chia sẻ gánh nặng và nâng cao hiệu quả được coi là một lựa chọn phù hợp hơn cả. Mỹ hiện đang hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc) để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm cả chất bán dẫn.

TSMC - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đồng ý đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng một cơ sở chế tạo hiện đại ở bang Arizona, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024. Chính phủ Mỹ hiện đang cung cấp nhiều hỗ trợ cho dự án này.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô điêu đứng vì thiếu hụt chip Ngành công nghiệp sản xuất ô tô điêu đứng vì thiếu hụt chip

VTV.vn - Tình trạng thiếu chip trên quy mô toàn cầu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của nhiều hãng xe ô tô trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước