Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam khả quan

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 04/07/2024 10:59 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong nửa đầu năm nay và có nhiều triển vọng khả quan cả năm nhờ vào sự tăng trưởng đồng đều ở cả sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn cần thận trọng với rủi ro bên ngoài nửa cuối năm nay. Đây là nhận định của nhiều tổ chức và định chế tài chính toàn cầu trong các báo cáo công bố cập nhật kinh tế khu vực và toàn cầu.

Theo Tập đoàn Standard Chartered, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu tốc độ tăng trưởng 2024 với mức tăng trên 6%, trong khi các quốc gia mới nổi toàn cầu trung bình khoảng 4%, còn ở khu vực châu Á là khoảng 5%. Động lực chính là thương mại, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Jose Vinals - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered đánh giá: "Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với các quốc gia trên thế giới, đang thu hút dòng vốn chất lượng cao không chỉ là trực tiếp mà cả gián tiếp, mua bán sáp nhập, như vậy niềm tin là yếu tố then chốt. Chúng tôi đang làm việc những đối tác chuyên sâu về đánh giá chất lượng đầu tư, đánh giá cao các địa điểm đầu tư nước ngoài bằng bộ chỉ số đầu tư như Việt Nam".

"Việt Nam đang khẳng định được sự uy tín với lãnh đạo các thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm địa điểm đầu tư ổn định, năng động và cơ hội mở rộng đầu tư", ông Joo-ok Lee - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam khả quan - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong nửa đầu năm nay và có nhiều triển vọng khả quan cả năm. Ảnh minh họa.

Còn theo S&P Global, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất Việt Nam tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6. Như vậy, sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp và các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Tổ chức này cũng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong dài hạn ở mức "BB+" - mức ổn định.

Ông Kim Eng Tan - Giám đốc Điều hành nhóm Xếp hạng tín nhiệm quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, S&P Global Ratings cho biết: "Chúng tôi xếp hạng BB+ đối với Việt Nam chủ yếu phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong những năm gần đây. Trong đó cán cân thanh toán bên ngoài rất khả quan nhờ vào mức tăng trưởng xuất khẩu".

Đà sản xuất, xuất nhập khẩu và đầu tư đang bắt nhịp tốt là nhờ vào sự hỗ trợ của cả chính sách tiền tệ và tài khóa.

"Điểm mấu chốt là lãi suất Việt Nam tiếp tục được giữ ở mức thấp từ cuối năm ngoái sang đến đầu năm nay, như vậy chi phí vốn vay rẻ, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, các động lực tăng trưởng kinh tế. Các chính sách cần tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp", ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay.

Theo các tổ chức quốc tế, sự phục hồi nhu cầu ngành sản xuất, tăng trưởng ổn định ở khu vực, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam nửa cuối năm, nhưng cần thận trọng với những rủi ro, biến động của thị trường toàn cầu, lãi suất và áp lực lạm phát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước