Nga và Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu mỏ
Trên thị trường năng lượng, các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý đến cuộc họp trực tuyến của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC+) trong ngày 4/8. Giới phân tích kỳ vọng cuộc họp này sẽ giúp có thêm manh mối về triển vọng của thị trường dầu mỏ trong những tháng cuối năm.
Hiện giá dầu đã bật tăng mạnh lên mức cao nhất 7 tháng do các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu. Dầu Brent hơp đồng tương lai tăng 2,3% lên mức trên 85 USD/thùng. Trong khi dầu WTI giao dịch khoảng 81,5 USD/thùng.
"Vàng đen" tăng mạnh phiên này là do Nga và Saudi Arabia tuyên bố tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu mỏ. Cụ thể, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẽ giảm khoảng 300.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày trong tháng 9 tới.
Còn Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia đưa tin, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục thực hiện việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng nữa, đến hết tháng 9.
Giá dầu đã bật tăng mạnh lên mức cao nhất 7 tháng. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Sản lượng dầu của OPEC thấp hơn mức mục tiêu
Trên thực tế, từ tháng 10/2022, OPEC+ đã bắt đầu siết van bơm dầu ra thị trường. Tính đến nay nhóm này đã tuyên bố cắt giảm tới 4,7 triệu thùng dầu/ngày. Việc kinh tế thế giới hồi phục nhanh hơn, khiến cầu vượt cung, qua đó đẩy giá vàng đen đi lên trong 2 tháng vừa qua.
Hiện nay thì dự báo đều cho rằng, OPEC sẽ khó có thể tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng trừ những tuyên bố cắt giảm riêng lẻ bởi thực tế lượng dầu khai thác của các nước thành viên trên toàn OPEC đã giảm thấp hơn mức mục tiêu.
Trong tháng 7, OPEC đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do quyết định cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia ở mức 860 nghìn thùng/ngày trong tháng trước. Ngoài ra, các quốc gia châu Phi là Nigeria, Angola và Libya cũng không thể sản xuất như mức đã thống nhất bởi các lý do khác nhau.
Dự báo thị trường dầu những tháng cuối năm 2023
Các chuyên gia cho rằng việc Nga và Saudi Arabia tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện sẽ khiến nguồn cung càng thắt chặt, đẩy giá dầu cao hơn nữa.
Tính đến hết tuần trước, dầu thô đã ghi nhận chuỗi 5 tuần tăng giá liên tiếp, chuỗi tăng theo tuần dài nhất kể từ đầu năm 2021. Lý giải nguyên nhân chính kéo giá dầu tăng trở lại kể từ cuối tháng 6 đến nay, Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) nhận định, chủ yếu là do lo ngại về tình trạng thâm hụt nguồn cung nửa cuối năm, trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn tương đối ổn định, đặc biệt là mùa cao điểm quý III này.
Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây đã đưa ra dự báo thị trường dầu sẽ thâm hụt khoảng 1 triệu thùng/ngày trong quý III, tương đương 1% nhu cầu thế giới và thâm hụt khoảng 380.000 thùng/ngày trong quý IV.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: "Trên thực tế, OPEC+ là bên xuất khẩu nên sẽ mong muốn giá dầu neo ở các mức cao, vì thế trong trường hợp Saudi Arabia tiếp tục giảm sản lượng trong tháng 9, trong ngắn hạn giá dầu WTI có thể hướng lên vùng 85 USD/thùng và dầu Brent có thể lên 90 USD/thùng. Tuy nhiên, theo tôi lực tăng sẽ không còn quá mạnh bởi giá cũng đã ở vùng khá cao và thông tin sản lượng không còn gây ra bất ngờ đối với thị trường. Về trung hạn, giá dầu sẽ chưa thể vượt 100 USD/thùng, thậm chí nhiều khả năng sẽ có đợt giảm điều chỉnh trong tháng 8 này".
Hiện đang là mùa tiêu thụ xăng dầu cao điểm tại Mỹ, giá mặt hàng này vì thế được hỗ trợ mạnh nên khi bước vào các tháng cuối năm, nhu cầu hạ nhiệt trở lại thì đà tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới được dự báo cũng sẽ bị hạn chế hơn.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường "vàng đen" sẽ vẫn còn nhiều ẩn số tác động tới giá những tháng cuối năm khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới liên tục công bố nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ nguồn lực tài chính cho khối doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó là việc gia tăng dầu vào kho dự trữ chiến lược tại Mỹ cũng đang chịu nhiều sức ép khi Chính phủ nước này vừa rút lại đề nghị mua 6 triệu thùng dầu bổ sung kho chứa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!