Hàng loạt vụ buôn bán khẩu trang, găng tay không rõ nguồn gốc
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 phức tạp trở lại đến nay, tình trạng khẩu trang, găng tay bẩn cũng có dấu hiệu nóng trở lại. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục tấn khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng "phù phép" chuẩn bị đưa ra thị trường.
Sau gần 10 ngày theo dõi, lực lượng chức năng TP.HCM thu giữ khoảng 150.000 khẩu trang giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ tại Công ty TNHH Nam Anh. Đây là vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở tập kết, sản xuất găng tay y tế, khẩu trang có nhiều nghi ngờ về chất lượng. (Ảnh: suckhoedoisong)
Tại Hòa Bình, tổ chức kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm găng tay cao su loại dùng 1 lần đã qua sử dụng tại Công ty CP đầu tư may mặc V-Link, Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Công ty này còn đang sản xuất hơn 4 loại khẩu trang các nhãn hiệu, được quảng cáo là khẩu trang 3,4 lớp theo công nghệ Nhật Bản, tuy nhiên không có giấy tờ đảm bảo điều kiện sản xuất hợp quy.
Tiếp tục kiểm tra tại số 43, biệt thự Lâm Viên 2, khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội cơ quan chức năng phát hiện 9,5 tấn găng tay cao su đang được phân loại tái chế, hấp lại để bán. Số còn lại ước tính khoảng trên 15 tấn.
Chưa hết hoang mang vì sự đội giá vùn vụt của những chiếc khẩu trang, những ngày qua, khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp trở lại, cộng đồng lại phải bức xúc khi hàng loạt đường dây phù phép khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng quay ngược lại tiêu thụ trong thị trường. Đây là hành vi kinh doanh tham lam và vô cảm.
Thủ đoạn "phù phép" găng tay y tế đã qua sử dụng
Theo quy định, găng tay y tế, khẩu trang là dụng cụ dùng 1 lần và bắt buộc phải tiêu hủy sau khi sử dụng. Thế nhưng cơ quan chức năng đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở thu gom, sản xuất, tái chế găng tay y tế cũ và thu giữ hàng chục tấn.
Theo ghi nhận tại một xưởng tái chế, những chiếc găng tay y tế đã qua sử dụng được phân loại, sau đó được công nhân "phù phép" thành găng tay mới. Mỗi một bó găng tay 100 chiếc sẽ được công nhân cho vào túi nylon, xếp vào hộp rồi dán tem; không tẩy rửa, vệ sinh hay bất cứ một công đoạn khử trùng nào.
Lượng khẩu trang và găng tay giả đã qua sử dụng được cơ quan chức năng phát hiện.
Thế nhưng, theo lời khai của nhân viên trong cơ sở này, cách đây vài ngày đã có người đến mua 200 thùng găng tay, tương ứng với hơn 200.000 chiếc găng tay bẩn đã có thể bị bán ra thị trường.
Không ai biết được trong số những khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng liệu có mầm mống của dịch bệnh hay không. Những người đang làm thao tác "phù phép" kia, có lẽ không phải họ không sợ, nhưng họ đã bất chấp. Dù với lý do gì cũng rất đáng lên án, bởi nó vừa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, vừa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nền kinh tế.
Việt Nam là quốc gia có khả năng cung cấp, xuất khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế đến các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Đây đều là những mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam có sẵn tay nghề, máy móc để chuyển hướng nhanh so với sản xuất các thiết bị y tế khác.
Hàng ngàn vỏ hộp găng tay và khẩu trang giả.
Hiện thị trường Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch COVID-19, theo công bố của Bộ Y tế.
Với nhu cầu gia tăng của thị trường thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã tăng công suất lên đến 40% - 50% và đáp ứng được tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, tạo được uy tín của các lô hàng made in Vietnam.
Những đường dây bị triệt phá thời gian qua chỉ là những con sâu đang làm rầu nồi canh, trục lợi trên nỗi hoang mang của người dân và nỗ lực chống dịch của cộng đồng. Đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh. Thế nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp liên tiếp chung tay cùng cộng đồng bằng những đóng góp thiết thực, những hành động đẹp tiếp sức cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Mỗi ngày, Việt Nam sản xuất tới 45 triệu chiếc khẩu trang y tế đạt chuẩn, cùng với đó là khẩu trang vải, đủ để đáp ứng nhu cầu của cả cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!