Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống. (Nguồn: Reuters)
Báo chí kinh tế châu Âu sau những ngày giữa tuần "quay cuồng" với bầu cử Mỹ, đến cuối tuần đã lùi lại một chút để phân tích các hậu quả đối với kinh tế châu Âu.
Trước khi đắc cử Tổng thống, Donald Trump đã từng có hàng loạt tuyên bố thẳng thừng phản đối các hiệp định hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có châu Âu. Các báo dùng từ "hậu quả", vì lật đi lật lại các khía cạnh, báo chí châu Âu vẫn "chưa thấy điểm nào là tích cực", theo tờ Thời báo Irlande. Nếu tân Tổng thống Mỹ áp dụng hết những gì ông đã cam kết trong thời gian tranh cử, thì thương mại thế giới sẽ chững lại, trong khi kinh tế châu Âu lại tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
Một tờ báo Đức dành 2 trang phân tích tỉ mỉ từng tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ và nhận thấy hầu hết là bất lợi cho kinh tế châu Âu. Theo tờ báo, "Tân Tổng thống Mỹ bác bỏ tất cả các hiệp định thương mại, phản đối các thỏa thuận giao thương mà Mỹ đã ký trước đây với Canada và Mexico, ngừng đàm phán Hiệp định xuyên Đại Tây dương TTIP với châu Âu, và bỏ qua Hiệp định xuyên Thái bình dương TPP với châu Á".
Một nguy cơ khác, không phải từ kinh tế, nhưng sẽ làm cho châu Âu tốn kém thêm. Đó là quan điểm nước Mỹ không có nghĩa vụ phải bỏ tiền túi để bảo vệ đồng minh. Tờ Libération của Pháp viết: "Nước Đức cũng như Hàn quốc, Saudi Arabia và Nhật bản sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục được hưởng lợi ích từ lá chắn hạt nhân của Mỹ". Theo bài báo, riêng nước Đức sẽ phải tăng chi phí quốc phòng từ 37 tỷ USD mỗi năm hiện nay lên tới 80 tỷ, nếu tân Tổng thống Mỹ làm đúng như những gì ông đã nói.
Tuy nhiên, tình hình dù có xấu, cũng có thể không tới mức tồi tệ, vì hiếm khi nào một vị Tổng thống thực hiện được hoàn toàn những gì đã cam kết khi tranh cử, nhất là khi "chương trình kinh tế của tân Tổng thống Mỹ còn rất mơ hồ", theo báo Thế giới của Pháp. Bài báo viết: "Sớm hay muộn, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải nhận ra rằng lãnh đạo phải biết thỏa hiệp và sẽ phải điều chỉnh lại các tham vọng theo hướng thấp hơn". Bài báo kết thúc bằng câu: "Thách thức từ thùng phiếu là một chuyện, thách thức của thực thi quyền lực lại là chuyện khác". Một câu thể hiện chính xác tâm trạng bối rối lúc này của châu Âu: "Cầu mong tân Tổng thống Mỹ không áp dụng tất cả những gì mà ông đã tuyên bố khi ra tranh cử".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!