Trung Đông khơi dậy tiềm năng của nữ giới

Vân Anh - Phùng Sơn (Thường trú Đài THVN tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 31/10/2017 06:38 GMT+7

VTV.vn - Khởi nghiệp và sở hữu một doanh nghiệp của riêng mình, là điều mà nhiều phụ nữ Hồi giáo ở UAE đã bắt đầu tính đến.

Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE, tờ the National của quốc gia này khẳng định sự tham gia tích cực của hai giới trong thị trường lao động chính là yếu tố then chốt cho sự thành công của nền kinh tế này trong những năm qua.

Hiện nữ giới chiếm gần 40% ngành ngân hàng, 2/3 viên chức nhà nước là nữ, trong đó tới 1/3 số vị trí trong nội các Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được dành cho phụ nữ. Và để thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, UAE đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và khởi nghiệp. 

Đại học Zayed là đại học công lớn nhất Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Ở đây, khu ký túc sinh viên nữ luôn đông đúc và tách biệt với khu ký túc nam. Hết giờ, các nam sinh viên thường ra về, còn các bạn nữ sắp xếp những giờ học thêm nhóm. Việc học nâng cao như vậy, đã thành một thông lệ tại ngôi trường này, nhiều năm trở lại đây.

Mỗi lứa sinh viên nữ tốt nghiệp Đại học Zayed, hầu hết đều đã có việc làm ổn định. Một số ít còn lại có xu hướng tiếp tục cao học. Nhiều ngành nghề như khu vực hành chính, nhân sự, hàng không thay vì thuê toàn bộ lao động nước ngoài, giờ đã có sự thay thế đáng kể bằng lao động nội địa.

Cộng đồng nữ doanh nhân, chỉ sau 16 năm ra đời, thu hút 23 nghìn thành viên, với tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế lên tới 10 tỷ USD. Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hiện có tới 8 ghế Bộ trưởng là nữ, chiếm 1/3 nội các.

95% phụ nữ tốt nghiệp đại học muốn đi làm và đã làm việc chính thức cho chính phủ hoặc ở khu vực tư nhân, là con số ấn tượng tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chỉ trong vòng 20 năm qua. Nền kinh tế hậu dầu mỏ bền vững, được quốc gia này xác định, sẽ là nền kinh tế dựa trên tri thức và sự sáng tạo, trong đó một phần lớn đền từ sự đóng góp của những người phụ nữ Hồi giáo.

Khi các giá trị của các vòi dầu ngày càng lung lay, cũng là lúc các nước Trung Đông buộc phải tự mình tìm ra nhiều cơ hội kinh tế mới, mà đầu tư cho phụ nữ chính là một biện pháp hữu hiệu.

Theo một khảo sát mới nhất, Bahrain, quốc gia đầu tiên khai thác dầu tại Trung Đông và cũng là một trong những nước đầu tiên tìm hướng đi hậu dầu mỏ đã vượt trên nhiều tên tuổi khác để trở thành quốc gia đáng sống nhất với người nước ngoài, nhờ vào đầu tư cho giáo dục và khuyến khích văn hóa thân thiện, cởi mở. Đó là ví dụ triển vọng để tin tưởng rằng, làn sóng kinh tế đối với phụ nữ Trung Đông sẽ còn tiếp tục lan rộng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước