Trung Quốc chạy đua đầu tư vào metaverse

Đức Cường - Kim Huệ-Thứ bảy, ngày 19/02/2022 14:21 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc là một trong những nước đánh giá cao triển vọng của metaverse và có những biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này.

Metaverse (vũ trụ ảo) đang phát triển rất nhanh. Theo Bloomberg, năm 2020, giá trị thị trường của metaverse đã đạt gần 500 tỷ USD và có thể lên tới 800 tỷ USD vào năm 2024.

Trong thị trường này, mảng game online đóng góp nhiều nhất, chiếm tới một nửa thị phần và nửa thị phần còn lại thuộc về truyền thông xã hội, các hình thức giải trí trực tuyến khác như âm nhạc.

Ngày 16/2 vừa qua, Ủy ban Metaverse trực thuộc Hiệp hội Truyền thông và Di động Trung Quốc đã kết nạp thêm 17 thành viên mới là các công ty công nghệ cao của nước này. Như vậy, Ủy ban Metaverse đã có tổng cộng 112 thành viên là các công ty công nghệ hoặc chuyên gia có uy tín.

Trung Quốc chạy đua đầu tư vào metaverse - Ảnh 1.

Nhờ những nỗ lực đầu tư và sự quan tâm của công chúng, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu gia nhập thị trường metaverse. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Theo CNBC, chính phủ Trung Quốc thành lập các ủy ban như vậy nhằm thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo năng lực dẫn đầu của nước này trong các lĩnh vực công nghệ được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh. Trước đó, Trung Quốc cũng đã thành lập ủy ban tương tự đối với lĩnh vực blockchain (chuỗi khối).

Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc đi sau các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này như Mỹ, tuy nhiên nước này đang có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ mới. Năm 2021, hơn 1.000 công ty Trung Quốc, bao gồm các tên tuổi lớn như Alibaba và Tencent công bố hơn 10.000 nhãn hiệu liên quan đến metaverse.

Tại sao Trung Quốc thúc đẩy metaverse?

Khi thành lập Ủy ban cuối năm 2021, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc nhấn mạnh, đây không phải là mốt nhất thời, mà là một xu hướng quan trọng phải phát triển. Dư địa phát triển là vô tận, lại đang trong giai đoạn được Chính phủ Trung Quốc tập trung phát triển công nghệ then chốt nhằm cạnh tranh chiến lược với phương Tây nên metaverse hứa hẹn tương lai tươi sáng.

Nguyên lãnh đạo Viện kinh tế Công nghiệp Trung Quốc, thành viên của Ủy ban đã phác thảo 6 xu hướng chính của metaverse. Đáng chú ý là sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế thực và nền kinh tế số; dữ liệu trở thành tài sản cốt lõi; toàn cầu hóa của nền tài chính số phi tập trung.

Hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về cơ sở dữ liệu. Nhờ cơ sở dự liệu mạnh góp phần giúp thương mại điện tử tại đất nước tỷ dân phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều ứng dụng trong quản lý xã hội, phòng chống COVID-19 cho hiệu quả cao.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã xem dữ liệu là yếu tố sản xuất và đang từng bước xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát lĩnh vực then chốt này - vốn lâu nay bị các công ty công nghệ lớn chi phối. Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh thu khổng lồ từ vũ trụ ảo sẽ quay lại kích thích mạnh mẽ nền kinh tế thực.

Thị trường metaverse phát triển nhanh chóng

Nhờ những nỗ lực đầu tư và sự quan tâm của công chúng, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu gia nhập thị trường metaverse, từ đó tạo ra những công việc mới.

Anh Zhou Dao là Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại thủ đô Bắc Kinh. Anh cho biết đang tập trung đáp ứng nhu cầu của các khách hàng Trung Quốc muốn được trải nghiệm nhập vai trong thế giới ảo. Hơn một nửa số khách hàng là thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 27, những người có yêu cầu rất cao với chất lượng hình ảnh và chuyển động.

"Công việc của chúng tôi đang làm là tạo ra hình đại diện avatar cho khách hàng. Yêu cầu đầu tiên, hình đại diện phải trông giống như người thật. Tiếp đến, bởi vì ai cũng muốn avatar của mình trông thật hoàn hảo, nên chúng tôi phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để đáp ứng mong muốn của họ. Thứ ba, chúng tôi cần tạo ra các công trình, vật thể ảo. Chúng tôi tạo ra các vật thể này dựa trên các cấu trúc phổ biến ngoài cuộc sống", anh Zhou Dao, CEO công ty công nghệ Qilewuqiong, cho hay.

Các đô thị cấp 1 như Bắc Kinh và Thượng Hải đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công việc liên quan đến metaverse như viết kịch bản và thiết kế đồ họa. Các nhà thiết kế được yêu cầu tạo ra những bối cảnh sinh động và hấp dẫn với người dùng.

"Là những người phụ trách tạo ra bối cảnh ảo, chúng tôi phải trao đổi rất nhiều với các bộ phận đồ họa, bộ phận lập dự án cũng như những người phụ trách kỹ thuật để đi đến một ý tưởng chung cho kịch bản. Sau đó, chúng tôi sẽ quyết định xem nên sáng tạo như thế nào và trao đổi ý tưởng đó với khách hàng", anh Zhou Bingyu, chuyên gia công nghệ, cho biết.

Trung Quốc chạy đua đầu tư vào metaverse - Ảnh 2.

Metaverse (vũ trụ ảo) đang phát triển rất nhanh. (Ảnh: Dao Insights)

Do có ngày càng nhiều công ty tham gia vào thị trường, sức ép cạnh tranh đang tăng lên, buộc các nhà thiết kế đưa ra nhiều ý tưởng và giải pháp hiệu quả hơn để thu hút khách hàng. Điều này được xem sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực metaverse ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc định hướng như thế nào trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ mới nổi lên, không chỉ metaverse mà các lĩnh vực khác?

Nhiều chuyên gia có chung nhận định do Trung Quốc có phần hạn chế hơn Mỹ và phương Tây về công nghệ nên nước này chọn các lĩnh vực mới để đi tắt đón đầu và giành vị thế. Nhận thấy lĩnh vực xe ô tô xăng khó cạnh tranh với Nhật và phương Tây, nước này đang đột phá vào xe ô tô điện và đang trở thành đối thủ đáng gờm trên thế giới. Bởi Trung Quốc làm chủ công nghệ chế tạo xe điện, nhất là pin. Tham vọng của nước này trong gần 10 năm tới, ô tô năng lượng sạch chiếm 90% xe đăng ký mới trong nước.

Công ty games số 1 thế giới Tencent đầu tư mạnh metaverse vào games. ByteDance sở hữu TikTok đầu tư thực tế ảo, mạng xã hội, games. Alibaba tung ra kính thực tế tăng cường cho các cuộc họp ảo. Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong các dịch vụ trực tuyến, cơ sở dữ liệu nên không khó khi triển khai metaverse.

Người ta đang chờ xem nước này sẽ có những hành lang pháp lý chặt chẽ như thế nào đối với lĩnh vực được dự báo sẽ trăm hoa đua nở để chinh phục hàng trăm triệu người dùng Internet trẻ, trong số cả tỷ người dùng ở Trung Quốc.

Trong khi một số ngành công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn đã có lịch sử lâu đời và rất khó để các quốc gia mới vươn lên, giành quyền chi phối thị trường, những lĩnh vực công nghệ mới như tiền kỹ thuật số và metaverse lại còn rất nhiều dư địa phát triển. Những quốc gia sớm đặt chân vào lĩnh vực này sẽ có khả năng dẫn đầu thị trường.

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao

Không chỉ những tên tuổi lớn như Tencent hay Baidu, mà cả các công ty nhỏ cũng đang nỗ lực tận dụng cơ hội từ làn sóng metaverse tại Trung Quốc đang lên hiện nay. Corigine, một công ty chuyên về chip tại Thượng Hải là một ví dụ, khi hãng đang nghiên cứu các dòng chip xử lý phục vụ cho thiết bị thực tế ảo.

"Metaverse có 2 thành phần chính là hạ tầng thiết bị phần cứng và các nội dung, dịch vụ số bên trong. Để đem lại trải nghiệm sống động cho người dùng, phần cứng phải được trang bị các chip xử lý mạnh như của chúng tôi", ông Hu Kan, Giám đốc sản phẩm, hãng chip Corigine, cho biết.

Khi các ông lớn thế giới như Meta hay Microsoft cũng chưa hiện diện nhiều, dù đã rót hàng tỷ USD đầu tư, metaverse đang được xem là một trong những "vùng đất mới" mà ngành công nghệ Trung Quốc có thể tạo dựng vị thế. Giới chức Trung Quốc hiện cũng coi metaverse là một trong những lĩnh vực cạnh tranh chính của nền kinh tế số toàn cầu.

Một số cuộc đua công nghệ khác cũng đang được hâm nóng với sự tham gia của Trung Quốc, tiêu biểu là blockchain và tiền số. Hiện cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mới chỉ đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu về đồng tiền số ngân hàng trung ương, trong khi đồng Nhân dân tệ số đang trong quá trình thử nghiệm rộng rãi.

"Chương trình thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số tại Thế vận hội mùa đông đã chứng kiến hơn 400.000 giao dịch với khoảng 9,6 tỷ Nhân dân tệ được trao đổi. Đây là bài học để chúng tôi thúc đẩy lĩnh vực tài chính thông minh, phục vụ nền kinh tế số hiện đại trong tương lai", bà Wang Ying, Cơ quan quản lý giám sát hoạt động tài chính Bắc Kinh, đánh giá.

Cuộc đua công nghệ cũng được thể hiện khi các nước đều đang nỗ lực gia tăng số lượng bằng sáng chế. Theo Tổ chức Sở Hữu Trí tuệ Thế giới, tổng số đơn đăng ký bằng sáng chế trên toàn cầu năm 2021 đã cán mốc gần 280.000, tăng khoảng 1% so với năm trước. Trung Quốc hiện đã dẫn đầu năm thứ 3 liên tiếp với khoảng 70.000 đăng ký và cũng chiếm 13/50 công ty với số lượng đăng ký lớn nhất.

Facebook tiên phong hay chậm chân trong Metaverse? Facebook tiên phong hay chậm chân trong Metaverse?

VTV.vn - Giới chuyên gia đầu tư chỉ trích tầm nhìn Metaverse của Facebook là quá rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực và không có trọng tâm sinh lời rõ ràng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước