Trung Quốc đóng cửa hàng loạt nhà máy để giảm phát thải

Đức Cường-Thứ ba, ngày 28/09/2021 07:34 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng để giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Chính phủ Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên các địa phương để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, nhằm giảm tối đa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính sách này kết hợp với giá nguyên liệu tăng cao đã buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Tại Trung Quốc, mỗi địa phương đều được phân bổ chỉ tiêu về lượng phát thải, nơi nào không đạt được chỉ tiêu sẽ phải đóng cửa các nhà máy tiêu tốn nhiều điện năng.

Áp lực đặc biệt lớn tại các trung tâm công nghiệp là Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, khu vực đóng góp tới 1/3 GDP Trung Quốc, đồng thời cũng là những tỉnh đang chậm chân trong việc giảm lượng phát thải khí CO2. Hàng loạt nhà máy hoạt động trong mọi lĩnh vực từ dệt may, luyện nhôm cho đến chế biến đậu tương đã phải đóng cửa để cắt giảm lượng phát thải ở địa phương.

Trung Quốc đóng cửa hàng loạt nhà máy để giảm phát thải - Ảnh 1.

Khói bốc lên nghi ngút từ một nhà máy ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

"Cắt giảm tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa và ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu. Chẳng mấy chốc thị trường sẽ bắt đầu nhận thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung các mặt hàng từ dệt may, đồ chơi đến các bộ phận máy móc", ông Ting Lu, nhà phân tích tại công ty Nomura, Nhật Bản, cho hay.

Các nhà cung cấp thiết bị chủ chốt cho Apple và Tesla cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngày 26/9, Esco, đối tác của Foxconn và là nhà cung cấp linh kiện quan trọng cho cả Apple và Tesla hôm qua cho biết sẽ ngừng sản xuất từ 26/9 đến 3/10 để đáp ứng lời yêu cầu của chính quyền thành phố Côn Sơn, tỉnh Tô Châu về việc tiết kiệm năng lượng. Nhà sản xuất bảng mạch in cho Apple là Unimicron cũng thông báo ngừng hoạt động cho đến hết tháng này.

Ngoài việc chủ động cắt giảm tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc còn đối mặt với giá nhiên liệu tăng cao. Do nhu cầu tiêu thụ lớn, giá than đá, một trong những nhiên liệu chủ yếu để tạo ra điện năng ở nước này, đang ở mức 168 USD/tấn, tăng 56% kể từ đầu năm 2021. Giá than đá tăng đang ảnh hưởng tới nguồn cung cấp điện năng và khiến nhiều nhà máy buộc phải cắt giảm hoạt động.

"Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong phần còn lại của năm nay để đạt được mục tiêu khí thải carbon. Các mục tiêu về khí thải không dễ đạt được nếu nhìn vào nhu cầu rất lớn trên thị trường trong 6 tháng đầu năm", ông Larry Hu, Công ty tài chính Macquarie, cho biết.

Công ty tài chính Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 3 và quý 4 năm nay xuống còn lần lượt 4,7 và 3% từ con số 5,1 và 4,4% trước đó.

“Bom nợ” Evegrande tác động thế nào lên thị trường Trung Quốc? “Bom nợ” Evegrande tác động thế nào lên thị trường Trung Quốc?

VTV.vn - Nguy cơ vỡ nợ đến rất gần nhưng các chuyên gia đánh giá quả "bom nợ" 300 tỷ USD của Evergrande vỡ cũng không tác động quá lớn tới thị trường Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước