Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng từ 5% lên 7% kể từ ngày 15/6. Đây là sự gia tăng đầu tiên kể từ năm 2007.
Theo các chuyên gia, động thái trên cho thấy PBoC đã không còn giữ tâm lý chờ đợi nữa và đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã nhận thấy những bất lợi từ sự mạnh lên của đồng Nhân dân tệ.
PBoC cho biết các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của Trung Quốc đạt khoảng 1.000 tỷ USD vào cuối tháng 4. Điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ cần trích lập thêm 20 tỷ USD. Động thái này sẽ rút bớt thanh khoản khỏi thị trường, qua đó thúc đẩy lợi suất và khiến các nhà đầu tư giảm nhu cầu bán ngoại tệ để mua đồng Nhân dân tệ.
Trung Quốc bắt đầu tìm cách kiềm chế đà tăng của đồng Nhân dân tệ. Ảnh minh họa - AP.
Quyết định điều chỉnh chính sách của PboC được công bố sau khi đồng Nhân dân tệ chạm mức cao nhất trong 3 năm khi giao dịch trong khoảng 6,35 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đồng nội tệ của Trung Quốc đã tăng 13% sau khi rơi xuống mức thấp trong tháng 5/2020, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi tương đối nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.
Đà tăng của đồng Nhân dân tệ đã đè nặng lên nhu cầu xuất khẩu, một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Dù vậy, PBoC đã khá kiên quyết trong việc "ngồi yên" bất chấp tình trạng này.
Chỉ một tuần trước khi ra quyết định thay đổi chính sách, ngày 23/5, Phó Thống đốc PBoC Liu Guoqiang cho biết ngân hàng sẽ giữ tỷ giá hối đoái ổn định ở mức hợp lý và cân bằng.
Sự thay đổi cách tiếp cận của PBoC trong tuần này được thúc đẩy bởi những dấu hiệu cho thấy đồng Nhân dân tệ mạnh hơn đang bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!