Tuỳ theo từng nền văn hoá mà người ta gọi năm sau là năm con Mèo, hay năm con Thỏ. Nhưng dù là mèo hay thỏ thì chắc chắn một điều, Tết là dịp mà người dân nhiều nước chi tiêu mạnh tay nhất trong năm.
Tại Trung Quốc, đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch mà người dân được tự do đi lại, sau khi chính phủ nước này chính thức gỡ bỏ gần hết các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Nhiều người dân Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều hơn để sắm sửa dịp tết này.
Nhiều người dân Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều hơn để sắm sửa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sau khi các hạn chế phòng dịch được gỡ bỏ
Từ đồ trang trí cho đến thực phẩm, hàng loạt các mặt hàng mua sắm đón Tết nguyên đán đang thu hút người tiêu dùng Trung Quốc xuống phố.
"Tôi vừa mua 1 cặp câu đối, cầu mong hạnh phúc và sung túc cho cả gia đình", một người dân Trung Quốc cho biết.
"Tôi đã tiêu 58 USD chỉ riêng cho các loại bánh. Hôm nay tôi quay lại để mua thêm. Tôi không đặt ra giới hạn chi tiêu cho mùa lễ năm nay", một người khác cho hay.
Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, các rạp chiếu phim, nhà hàng, và trung tâm mua sắm trên khắp cả nước dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ trong suốt tuần mua sắm phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Việc nhiều người dân Trung Quốc mạnh tay mua sắm còn xuất phát từ việc Tết nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa nước này. Bên cạnh đó, sự tự tin của nhiều người đến từ việc họ nắm trong tay một khoản tiền tiết kiệm lớn.
Bloomberg thống kê trong suốt thời gian ở nhà chống dịch năm 2022, người tiêu dùng Trung Quốc đã tiết kiệm được 1/3 thu nhập. Họ gửi tổng cộng 17,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2,6 nghìn tỉ USD) vào tài khoản ngân hàng.
Để khai thông dòng tiền này ra thị trường, giới chức Trung Quốc và các doanh nghiệp nội địa đều đang nỗ lực kích cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết nguyên đán này, bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá.
Theo đánh giá, niềm tin vào tiêu dùng đã được khôi phục. Đây là điều rất quan trọng. Người tiêu dùng đã vượt qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Trùng Khánh…đã qua đỉnh dịch lần thứ nhất, với số ca mắc giảm dần.
Kích cầu tiêu dùng nội địa là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế năm 2023, các tỉnh thành cũng triển khai nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng như: Tại Hohhot, Nội Mông chính quyền dành hơn 38 triệu USD; Thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc dành hơn 100 triệu USD để tặng phiếu mua hàng giảm giá cho người dân. Tất cả đều đầu tư mạnh ở cả 2 mảng giao hàng và bán trực tiếp. Dự báo doanh số dịch vụ ăn uống - tiêu dùng sẽ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, xu hướng đón Tết ở nước ngoài cũng dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sau thời điểm 8/1, người dân Trung Quốc có thể xin cấp visa và đi du lịch nước ngoài trở lại.
Ước tính của Trip.com, trong 7 ngày cao điểm Tết từ 21 đến 27/1, chỉ riêng dịch vụ đặt phòng đi nước ngoài đón Tết đã tăng 540%. Châu Á, cụ thể là Thái Lan là địa điểm được du khách Trung Quốc lựa chọn nhiều nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!