Trung Quốc mở cửa tác động ra sao đến kinh tế toàn cầu?

VTV Digital-Thứ hai, ngày 09/01/2023 14:10 GMT+7

VTV.vn - Sau gần 3 năm đóng cửa phòng dịch COVID-19, Trung Quốc đã chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 8/1. Đây là một tín hiệu tích cực trong những ngày đầu năm 2023.

Trung Quốc sau 1 ngày mở cửa biên giới

Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam, do vậy việc nước này mở cửa và thông quan hoàn toàn sẽ giúp cho dòng chảy hàng hóa và đầu tư thông suốt, qua đó giảm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Sau 1 ngày mở cửa, Trung Quốc chứng kiến lượng người qua lại các cửa khẩu biên giới trên bộ, cửa khẩu sân bay, đường biển tăng đột biến. Hối hả về quê đón Tết, đoàn tụ hay đi du lịch nước ngoài để bù cho 3 năm đóng cửa là những gì có thể cảm nhận được trong ngày đầu tiên.

Trung Quốc mở cửa tác động ra sao đến kinh tế toàn cầu? - Ảnh 1.

Hành khách xếp hàng chờ mua vé về quê đón Tết tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sáng 8/1. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trước mắt, Trung Quốc đại lục và chính quyền Hong Hong (Trung Quốc) thỏa thuận mỗi bên sẽ giới hạn 60.000 người qua lại nhập cảnh mỗi ngày.

Công dân nước ngoài tạm thời chưa được nhập cảnh vào Trung Quốc qua các cửa khẩu quốc tế trên bộ. Người nước ngoài có visa được nhập cảnh vào Trung Quốc qua đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ trước khi nhập cảnh, bỏ quy định cách ly tập trung.

Các công ty lữ hành cho biết đã chứng kiến lượng người dân Trung Quốc đăng ký du lịch quốc tế tăng mạnh. Trang trip.com ghi nhận đặt khách sạn đến Singapore, Malaysia, Thái Lan, Italy tăng đến 500%. Lượng đặt dịch vụ xin visa đi Mỹ, Australia, Nhật Bản cũng tăng mạnh…

Cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc hoạt động bình thường trở lại

Tại các cửa khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc, từ sáng 8/1 cũng có rất đông công dân Trung Quốc từ Việt Nam xuất cảnh về nước. Cùng với đó, các hoạt động thông quan hàng hóa cũng trở lại gần như bình thường.

Ngay từ 7h30 sáng 8/1, đã có trên 2.000 người, chủ yếu là công dân Trung Quốc có mặt tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, để làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc, bởi họ là những người đã 3 năm nay chưa trở về Trung Quốc.

"Đã 3 năm rồi bây giờ tôi mới được về Trung Quốc. Tôi thấy thủ tục xuất cảnh tại Việt Nam rất dễ dàng, thuận tiện, cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình. Được về quê nhà ăn Tết tôi phấn khởi lắm. Cảm ơn các bạn rất nhiều", anh Thịnh Bình Siêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, chia sẻ.

Xuất cảnh thuận lợi, nhập cảnh cũng dễ dàng. Sáng 8/1, nhóm khách du lịch đến từ Trung Quốc đã làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam một cách nhanh chóng.

Trung Quốc mở cửa tác động ra sao đến kinh tế toàn cầu? - Ảnh 2.

Công dân Trung Quốc làm thủ tục xuất nhập cảnh thuận tiện, nhanh chóng. (Ảnh: suckhoedoisong)

Việc khôi phục toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh sẽ góp phần gia tăng năng lực thông quan hàng hóa, đồng thời giúp thị trường du lịch Lào Cai sôi động hơn khi đón một lượng khách lớn từ Trung Quốc.

Không còn phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, không còn phải ngồi trong cabin nhiều giờ để chờ lấy hàng, đó là những hình ảnh mới xuất hiện trở lại từ 8/1 tại các khu vực cửa khẩu. Ngoài ra từ nay, lái xe của Việt Nam đã được điều khiển phương tiện sang thẳng các bến, bãi của Trung Quốc để giao nhận hàng hóa.

"Từ ngày 8/1, anh em lái xe chúng tôi không phải mặc quần áo bảo hộ nữa, chỉ cần có giấy chứng nhận không nhiễm COVID-19 và đeo khẩu trang N95", anh Trần Văn Bảy, lái xe Công ty Cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên, Lạng Sơn, cho biết.

Khi hoạt động xuất nhập khẩu được trở lại, lượng hàng xuất đi sẽ nhiều hơn, thuận tiện hơn và đặc biệt là giảm được nhiều chi phí chi cho các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi, hội đàm để bên phía Trung Quốc có thể đưa ra các chính sách để nới lỏng hơn đối với các hoạt động kiểm soát lái xe trong quá trình giao nhận hàng hóa và khôi phục thời gian làm việc tại các cửa khẩu cũng như có thể kéo dài thời gian để đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa", ông Vi Nhân Đạo, Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Lạng Sơn, cho hay.

Trong những ngày tới, tại các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, cơ quan chức năng sẽ cập nhật liên tục tình hình xuất nhập khẩu tại biên giới tới các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước để tránh trường hợp lượng xe xuất khẩu dồn lên quá nhiều, gây ách tắc cũng như hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Các chuyên gia dịch tễ học tại Trung Quốc đánh giá giai đoạn hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19. Câu chào phổ biến khi gặp nhau hiện nay là yang-guo-ma (đã dương tính chưa), nghĩa là bệnh khá phổ biến. Tình trạng số ca mắc mới tăng nhanh đã và đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của Trung Quốc.

Số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã sụt giảm mạnh nhất 3 năm, giảm liên tiếp 3 tháng trở lại đây. Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng lây nhiễm COVID-19 có thể gây ra vấn đề thiếu lao động tạm thời, đồng thời ảnh hưởng một phần tới chuỗi cung ứng.

Làn sóng lây nhiễm hiện nay tác động ra sao tới kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn?

Xu thế lúc đầu, các nước đón nhận thông tin Trung Quốc mở cửa rất hưng phấn, nhưng dần dần chuyển sang thận trọng trước làn sóng dịch bệnh bùng phát.

Capital Economics dự báo quý I, nền kinh tế Trung Quốc giảm 0,8% và phục hồi từ quý II. Còn HSBC dự báo giảm 0,5% trong quý I, nhưng cả năm 2023 GDP Trung Quốc tăng 5%.

Tâm lý đón nhận COVID-19 thoải mái nên người dân ra ngoài ăn uống đi chơi đông nghẹt. Tuy nhiên nhiều nơi thiếu nhân viên phục vụ hay các nhà hàng quán ăn đóng cửa vì dịch, mở lại không kịp nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự phục hồi trong ngắn hạn.

Ba ngày Tết dương lịch, thị trường du lịch nội địa ghi nhận 52,7 triệu lượt chuyến đi, bằng 43% so với cùng kỳ năm 2019. Từ 8/1 khi mở cửa, du lịch quốc tế sẽ phục hồi, nhưng từ từ.

Chuyên gia nhận định thị trường hàng không quốc tế phải đến mùa hè năm 2023 mới phục hồi 50% so với trước dịch. Trước mắt giao thương Trung Quốc đại lục với Hong Kong, Ma Cao (Trung Quốc) sẽ sôi động.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc dự báo, kỳ Xuân vận về quê đón Tết bắt đầu từ 7/1 kéo dài đến 15/2 sẽ có hơn 2 tỷ lượt chuyến đi, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2022, bằng hơn 70% so với thời điểm trước dịch 2019.

Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2023

Đến đầu tháng 3, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc mới diễn ra, đề ra những chỉ tiêu cụ thể kinh tế - xã hội. Kim chỉ nam cho sự phát triển năm 2023 là đưa nền kinh tế Trung Quốc vào quỹ đạo tăng trưởng bình thường.

Trong đó ưu tiên kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa, thúc đẩy tăng trưởng các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế số làm động lực chính cho tăng trưởng.

Các báo Trung Quốc dẫn chứng kênh CNBC cho rằng Standard Chartered, Goldman Sachs kỳ vọng năm 2023 GDP Trung Quốc tăng 4,5%. IMF dự báo 4,4%.

Các nhận định lạc quan về sự phục hồi tiêu dùng, du lịch, giải trí bùng nổ sau khi Trung Quốc thông thương quốc tế. Các định chế tài chính uy tín này cũng cho rằng, việc mở cửa trở lại cũng sẽ là động lực chính đẩy giá tài sản lên cao, giá cổ phiếu sẽ tăng cao.

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo chỉ số chứng khoán MSCI của Trung Quốc sẽ tăng 14% năm 2023. Các dự báo lạc quan khác còn cho rằng năm 2023, GDP nền kinh tế số 2 thế giới tăng trên 5%.

Tác động mở cửa của Trung Quốc với kinh tế toàn cầu

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, khách du lịch Trung Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 1/5 chi tiêu du lịch toàn cầu năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Con số này bằng cả thị trường khách du lịch của Mỹ và Đức cộng lại. Do vậy việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại là điều ngành công nghiệp không khói toàn cầu rất chờ đợi, bên cạnh đó sẽ là nhiều tác động khác.

Báo cáo mới nhất của Goldman Sachs nhận định Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan và Singapore sẽ là các nền kinh tế có thể được hưởng lợi lớn nhất khi Trung Quốc bỏ hạn chế về COVID-19 và mở cửa biên giới sau ngày 8/1.

GDP Hong Kong được dự báo tăng thêm 7,6% nhờ nguồn thu từ xuất khẩu và du lịch. GDP Thái Lan hưởng lợi thêm 2,9%. Tác động này với Singapore nhỏ hơn, vào khoảng 1,2%. Theo sau là Malaysia với 0,7%.

Trung Quốc mở cửa tác động ra sao đến kinh tế toàn cầu? - Ảnh 3.

Du khách chụp ảnh tại Disney Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Với thị trường hàng hóa, Goldman Sachs cho rằng nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục có thể kéo giá dầu thế giới lên thêm 15 USD/thùng. Nhu cầu vàng đen của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới năm 2022 giảm lần đầu tiên trong 2 thập kỷ.

Các chuyên gia dự báo sau khi mở cửa trở lại, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu nhiên liệu, có thể chiếm 47% tổng nhu cầu toàn cầu trong năm 2023.

Bên cạnh đó, khi hoạt động xây dựng bất động sản tại Trung Quốc hồi phục, giá nguyên liệu thô như thép, đồng và các vật liệu xây dựng khác cũng sẽ tăng theo.

Trung Quốc mở cửa đang được xem là một biến số lớn với lạm phát toàn cầu năm nay.

Có thể thấy, việc mở cửa trở lại từ ngày 8/1 tại Trung Quốc sẽ chưa thể có những tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế nước này ngay trong quý I/2023. Các tác động tới kinh tế khu vực và thế giới sẽ cần quan sát thêm.

Du khách Trung Quốc sẽ chỉ bùng nổ đi "du lịch trả thù" từ mùa hè 2023. Do vậy, đây sẽ là khoảng thời gian chạy đà đủ tốt để các doanh nghiệp du lịch khu vực, trong đó có Việt Nam và thế giới… có thể chuẩn bị chu đáo cho sự trở lại của khách Trung Quốc từ các quý tiếp theo.

Các cửa khẩu giáp Trung Quốc khôi phục hoàn toàn hoạt động Các cửa khẩu giáp Trung Quốc khôi phục hoàn toàn hoạt động

VTV.vn - Từ hôm nay (8/1), các cửa khẩu quốc tế giáp với Trung Quốc sẽ mở cửa toàn diện các hoạt động, sau gần 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước