Trung Quốc: Nỗi lo từ thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp

Thùy An-Thứ ba, ngày 18/07/2023 14:25 GMT+7

VTV.vn - Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc bị đe dọa bởi sự suy yếu dai dẳng của thị trường bất động và tín hiệu không mấy tích cực từ thị trường việc làm.

Sáng 17/7, Trung Quốc đã công bố chỉ số GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 5,5%, đạt 59,3 ngàn tỷ Nhân dân tệ, khoảng 8.300 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 của nền kinh tế Trung Quốc khi đạt 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo 7,3% được đưa ra trước đó.

Bán lẻ tháng 6 chỉ tăng 3,1%, giảm mạnh so với con số 12,7% của tháng 5. Sức cầu tiêu dùng yếu đang gây lo ngại về nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế khi lạm phát của nước này đang tiến sát 0%. Trong khi xuất khẩu Trung Quốc giảm sâu nhất 3 năm.

Cuối cùng là con số thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 24 tiếp tục tăng cao kỷ lục, đạt 21,3%.

Tờ Nikkei Asia đánh giá, khó khăn tại thị trường bất động sản là một trong những yếu tố khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại,

Theo thống kê, doanh số bán nhà mới theo diện tích sàn từ tháng 1 đến tháng 6 giảm 2,8% trong năm, trong khi hàng tồn kho tăng 18% vào cuối tháng 6 so với một năm trước đó. Đầu tư vào phát triển mới tiếp tục giảm do nhu cầu cạn kiệt.

Bất động sản và các ngành liên quan ước tính tạo ra khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Doanh số bán nhà kém kéo theo đà giảm của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất khác khi người dân mua nhà mới.

Trong khu vực tư nhân, nơi sử dụng khoảng 4/5 lao động Trung Quốc, 28,1% công ty thua lỗ vào cuối tháng 5 - tỷ lệ cao nhất trong dữ liệu so sánh từ năm 2001.

Với lợi nhuận chậm phục hồi, các doanh nghiệp đã cắt giảm đầu tư tài sản cố định, qua đó ảnh hưởng đến thị trường việc làm và thu nhập hộ gia đình.

"Cung và cầu trên thị trường bất động sản đã thay đổi sâu sắc", ông Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBOC, thừa nhận trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu. Ông chỉ ra rằng các biện pháp được áp dụng trước đây để hạn chế tình trạng quá nóng trên thị trường nhà ở có thể được nới lỏng trong thời gian tới.

Trung Quốc: Nỗi lo từ thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc tăng cao

Bên cạnh đó, sự bi quan về thị trường việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi, đạt mức kỷ lục 21,3%, cũng khiến các hộ gia đình ưu tiên tiết kiệm hơn chi tiêu.

Cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy gần 60% số người được hỏi ủng hộ việc gửi thêm tiền vào tiền gửi tiết kiệm.

Mức tiêu dùng của các hộ gia đình trong nửa tháng 1 đến tháng 6 dao động quanh mức 60% thu nhập, giảm so với mức 65% hoặc hơn trước COVID, cho thấy sự chuyển hướng sang tiết kiệm nhiều hơn của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại, trong bối cảnh Bắc Kinh đến nay vẫn do dự về phương án đưa ra gói kích thích quy mô lớn hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chủ yếu hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tiền tệ.

Theo IMF, Trung Quốc dự kiến đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Hoạt động kinh tế ít khởi sắc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ khiến nhu cầu đối với nguyên liệu thô sụt giảm, đồng thời ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào thị trường nội địa của nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước