Tâm điểm thị trường châu Á sáng nay (17/7) là tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 của nền kinh tế Trung Quốc khi đạt 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo 7,3% được đưa ra trước đó.
Động lực chính cho mức tăng trưởng này của Trung Quốc là du lịch nội địa. Người dân thành thị đã chi tới 280 tỷ USD trong nửa đầu năm để đi du lịch, trong khi chi tiêu du lịch người dân nông thôn cũng tăng 40%. Một điểm sáng khác là sản xuất công nghiệp đang phục hồi dần. Tuy nhiên, tiêu dùng và xuất khẩu đang ghi nhận những dấu hiệu không mấy tích cực.
Bán lẻ tháng 6 chỉ tăng 3,1%, giảm mạnh so với con số 12,7% của tháng 5. Sức cầu tiêu dùng yếu đang gây lo ngại về nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế khi lạm phát của nước này đang tiến sát 0%. Trong khi xuất khẩu Trung Quốc giảm sâu nhất 3 năm.
Cuối cùng là con số thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 24 tiếp tục tăng cao kỷ lục, đạt 21,3%.
Các chuyên gia cho rằng, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại, trong bối cảnh Bắc Kinh đến nay vẫn do dự về phương án đưa ra gói kích thích quy mô lớn hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chủ yếu hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tiền tệ.
Theo IMF, Trung Quốc dự kiến đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Theo đó, lần đầu tiên sau 10 tháng, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (LPR) được điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản xuống 3,55%, kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 4,3% xuống 4,2%. Trước đó, lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay đảo ngược cũng được hạ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,25 điểm phần trăm đối với các tổ chức tài chính và các khoản vay bằng đồng Nhân dân tệ.
Còn với chính sách tài khóa, quy mô các gói cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp là không quá lớn. Đáng chú ý nhất là gói miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu hàng tháng dưới 100.000 Nhân dân tệ kể từ đầu năm.
Các nhà kinh tế nhận định, những động thái trên phản ánh mong muốn của Bắc Kinh khi chuyển ưu tiên từ tăng trưởng nhanh bằng mọi giá sang chuẩn bị ứng phó trước cục diện thế giới thay đổi trong tương lai.
"Từ góc độ dài hạn, nền kinh tế đang chuyển dịch theo hướng phát triển tổng thể chất lượng cao. Động lực đổi mới khoa học và công nghệ tiếp tục gia tăng. Chuyển đổi xanh đang diễn ra đều đặn. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo để điều chỉnh cơ cấu kinh tế", ông Liu Guoqiang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), nhận định.
"Việc lãi suất cho vay với doanh nghiệp và tiêu dùng giảm nhanh trong tháng 6 đã giúp giảm hơn nữa chi phí tài chính của nền kinh tế thực và tăng cường niềm tin của những người tham gia thị trường", ông Wen Bin, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Minsheng Trung Quốc, cho biết.
Theo IMF, Trung Quốc dự kiến đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Hoạt động kinh tế ít khởi sắc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ khiến nhu cầu đối với nguyên liệu thô sụt giảm, đồng thời ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào thị trường nội địa của nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!