Trung Quốc: Thị trường tiêu dùng 6 nghìn tỷ USD đang trở lại?

Thùy An-Thứ ba, ngày 31/01/2023 10:20 GMT+7

VTV.vn - Sự phục hồi của thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang có khởi đầu vững chắc, sau quý IV/2022 đầy thất vọng.

Tờ CNBC dẫn lời ông Edward Suen, giám đốc điều hành của nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết, nhà hàng được tặng sao Michelin do ông quản lý có tên Rêver đã kín chỗ ngay sau Tết nguyên đán. Ông Suen cho biết thêm, lượng đặt chỗ trước trong vòng 3 ngày đã hết công suất.

CEO của nhà hàng hy vọng tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện trong năm nay và cho phép Rêver thu hẹp khoản lỗ lên tới 35% vào năm ngoái.

Trung Quốc: Thị trường tiêu dùng 6 nghìn tỷ USD đang trở lại? - Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc trở lại thành phố sau kì nghỉ Tết Nguyên đán

Thành phố Quảng Châu là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi lệnh hạn chế đi lại trên diện rộng được áp dụng tại đây vào đầu tháng 12 trước làn sóng lây nhiễm mạnh của các biến thể mới.

"Giáng sinh năm ngoái là lần đầu tiên sau ba năm, chúng tôi không có đủ chỗ. Khá nhiều người đã đặt chỗ trước nhưng sau đó họ bị nhiễm bệnh", ông Suen nói. Ông Suen đồng sáng lập Rêver vào tháng 6/2020.

Rêver phục vụ các món ăn Pháp hiện đại, với bữa tối có giá từ 1.280 Nhân dân tệ ( tương đương 183 USD) đến 1.680 Nhân dân tệ.

Trong năm tới, "chúng tôi cố gắng thận trọng một chút về cách mọi thứ diễn ra bởi mọi thứ đang thay đổi quá nhanh và quá đột ngột trong những ngày này", ông chủ Suen nói.

Trung Quốc: Thị trường tiêu dùng 6 nghìn tỷ USD đang trở lại? - Ảnh 2.

Nhiều dữ liệu gần đây cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang bắt đầu mở hầu bao trở lại, đặc biệt là khi đi du lịch

Năm 2022, Trung Quốc chứng kiến một trong những năm tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh doanh số bán lẻ sụt giảm 0,2% xuống còn 43,97 nghìn tỷ Nhân dân tệ (6,28 nghìn tỷ USD), doanh số bán hàng ăn uống giảm mạnh hơn 6,3%.

Tuy nhiên, nhiều dữ liệu gần đây cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang bắt đầu mở hầu bao trở lại, đặc biệt là khi đi du lịch.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày, doanh thu du lịch ở Trung Quốc đã tăng 30% so với năm ngoái lên mức 375,84 tỷ Nhân dân tệ.

Theo số liệu chính thức, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày (kết thúc vào thứ Sáu tuần trước), doanh thu du lịch đã tăng 30% so với năm ngoái, lên mức 375,84 tỷ Nhân dân tệ. Mặc dù vậy, con số này vẫn chưa bằng với năm 2019, thời điểm trước đại dịch.

"Tâm lý người tiêu dùng đã tốt hơn nhưng tôi không nghĩ, mọi thứ đột ngột quay trở lại bằng năm 2019 hoặc gấp đôi năm 2019", bà Ashley Dudarenok, người sáng lập công ty tư vấn kỹ thuật số ChoZan cho biết.

Bà Dudarenok nói thêm, bước sang năm 2023, một số thương hiệu nhỏ đã trở nên thận trọng với thị trường tỷ dân và quyết định cắt giảm một nửa ngân sách tiếp thị tại đây.

Trung Quốc: Thị trường tiêu dùng 6 nghìn tỷ USD đang trở lại? - Ảnh 4.

Nhiều gia đình Trung Quốc đi du lịch trong năm mới khi nước này quyết định mở cửa

"Tâm lý người tiêu dùng thực sự đi xuống, không ai biết điều gì sẽ thực sự xảy ra. Nhiều tiền đã được đổ ra để tiếp thị cho ngày 11/11 (Ngày lễ Độc thân) và không thành công. Các thương hiệu đã không kiếm được nhiều tiền trong ngày 11/11 và các lễ hội mua sắm khác trong tháng 12 năm ngoái. Rồi đột nhiên Trung Quốc mở cửa. Nhiều người khá giật mình trước sự phát triển nhanh chóng này", bà Dudarenok nói.

Tâm lý người tiêu dùng đã tốt hơn nhưng tôi không nghĩ, mọi thứ đột ngột quay trở lại bằng năm 2019 hoặc gấp đôi năm 2019.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng mức tiết kiệm cao của người tiêu dùng Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn trong năm nay.

Ở cấp hoạch định chính sách, chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ trì cuộc họp điều hành đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết của Hội đồng Nhà nước vào thứ Bảy và "kêu gọi nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi tiêu dùng và giữ ổn định thương mại, đầu tư nước ngoài".

"Chúng tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tiêu dùng là triển vọng về thu nhập trong tương lai, vốn liên quan đến nhiều yếu tố", ông Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, cho biết trong một báo cáo.

Ông Hao Zhou kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng trưởng 7% hàng năm.

Trung Quốc: Thị trường tiêu dùng 6 nghìn tỷ USD đang trở lại? - Ảnh 6.

Ở cấp hoạch định chính sách, chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng

Trong bối cảnh mới, nhiều thương hiệu ở Trung Quốc cho biết, đã phải điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi không chỉ trong tình hình dịch đại dịch mà còn trên thị trường.

Bà Dudarenok cho biết, các công ty đang chuyển nhiều tiền tiếp thị hơn sang Douyin của ByteDance, phiên bản địa phương của TikTok thay vì Weibo. Mặc dù các thương hiệu đã có mặt trên Douyin trong nhiều năm, nhưng không phải là một phần của cuộc trò chuyện xã hội trên ứng dụng rất phổ biến này.

Đối với các thương hiệu, bà Dudarenok cho biết thêm suy nghĩ phổ biến bây giờ là "Trung Quốc đã thay đổi, quan trọng nhất là Trung Quốc đã mở cửa và để tham gia vào một lĩnh vực kinh doanh nhất định, chúng tôi cần tham gia vào cuộc trò chuyện với người tiêu dùng".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ đạo thúc đẩy tiêu dùng là một bước quan trọng để mở rộng nhu cầu trong nước. Cần khôi phục vai trò cơ cấu của tiêu dùng trong nền kinh tế để khai thác tiềm năng lớn nhất nền kinh tế Trung Quốc là thị trường tiêu dùng 1 tỷ 400 triệu dân.

Ngoài ra, Quốc Vụ viện Trung Quốc cũng tái khẳng định sự hỗ trợ đối với khu vực tư nhân - nền kinh tế kỹ thuật số, vốn bị ảnh hưởng nặng do quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ tiêu dùng, cá nhân tự kinh doanh và thúc đẩy tiêu thụ ô tô phải được đẩy mạnh cùng với tăng cho vay tiêu dùng. Quốc Vụ viện Trung Quốc cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, duy trì đồng Nhân dân tệ ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước