Vào 8h sáng ngày hôm qua (11/5), WeFit, start-up được coi là "Uber trong lĩnh vực phòng tập", đã tuyên bố dừng hoạt động tất cả các sản phẩm của mình, bao gồm: WeFit, WeFit Point, WeFit Pago hay WeJoy.
"Khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh COVID-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn", chia sẻ được CEO của Onaclover - công ty chủ quản hệ thống WeFit - gửi đến các đối tác và khách hàng của mình ngày hôm qua.
Hiện công ty này đang nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. Để giải quyết các vấn đề phát sinh đối với những khách hàng vẫn còn quyền lợi sau ngày 10/5, WeFit cho biết đang làm việc với các bên thứ 3 nhằm chuyển đổi quyền lợi cho khách hàng hoặc tìm ra giải pháp thỏa thuận tốt nhất.
Các chuyên gia đánh giá, sẽ thật khó để một hệ thống "Buffet cao cấp" lại mở cửa không giới hạn như WeFit có thể sinh lời.
Nhận định về mô hình của WeFit, các chuyên gia đánh giá, sẽ thật khó để một hệ thống "Buffet cao cấp" lại mở cửa không giới hạn có thể sinh lời. CEO Nguyễn Hải Đăng từng chia sẻ nhiều người dùng chung 1 tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng - đỉnh điểm là 202 lần/tháng. Con số chắc chắn sẽ gây sốc cho bất kỳ ai.
"Trong một tình huống đo lường là 1 khách hàng có thể tập đến 200 lượt 1 tháng, đó là yếu tố rủi ro của quản trị về mặt công nghệ cũng như là quản trị về mặt kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, thường các hãng công nghệ phải có giải pháp về mặt công nghệ để giải quyết vấn đề đấy, không cho khách hàng sử dụng nhiều lượt như vậy. Nó sẽ khoá hay cảnh báo về mặt kinh doanh", ông Phan Anh - chuyên gia Thương mại Điện tử & Kinh tế tại ĐH Thương Mại bình luận.
Trên thực tế, khủng hoảng của WeFit không phải mới bắt đầu. Từ cuối 2019, nhiều bất cập trong quản lý dòng tiền, mất kiểm soát trong quản lý hệ thống khách hàng và đối tác đã dần xuất hiện dẫn đến nhà sáng lập, cựu CEO Nguyễn Khôi - gương mặt Forbes Under 30 - phải rời ghế.
WeFit được cho là gặp vế đề về dòng tiền
Theo ông Hà Anh Tuấn, CEO của Vinalink, mô hình này có 1 rủi ro liên quan đến dòng tiền và thứ 2 là chi phí để hút người dùng dành start-up rất là cao. Khi có vấn đề về dòng tiền thì WeFit xoay không kịp, dẫn đến tiền nợ quá nhiều, các điểm tập quay lưng lại với WeFit, mặc dù người dùng thì vẫn tốt.
Cuộc sàng lọc tự nhiên của COVID-19
Theo kế hoạch đầu tháng 4/2020, WeFit sẽ chuyển đổi mô hình, thế nhưng dịch COVID-19 đã không cho họ cơ hội làm điều đó.
Đại dịch COVID-19 được xem là một trong những lý do khiến WeFit phá sản
Chưa hoàn hảo, còn có lỗ hổng trong mô hình kinh doanh có lẽ là chuyện thường với các start-up. Việc Wefit nộp đơn xin được phá sản cũng là chuyện thường thấy trong giới khởi nghiệp trên thế giới. Nhưng cũng từ đó để thấy rằng, COVID-19 sẽ là một cuộc sàng lọc tự nhiên đầy khắc nghiệt. Trong nguy có thể có cơ nhưng cơ hội đó cũng sẽ chỉ dành cho những ai có sự chuẩn bị thực sự kỹ càng.
WeFit được thành lập từ năm 2016 và tới năm 2019 đổi tên thành WeWow, là ứng dụng di động cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp. Đầu năm 2018, nhà sáng lập của WeFit là Nguyễn Khôi được Forbes lựa chọn vào danh sách "30 Under 30".
Đầu năm 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A tiếp theo từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!