Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. Nếu được triển khai sẽ giúp hiện thực hóa nhiều khát vọng và ước mơ bấy lâu nay của người dân, doanh nghiệp trên hành lang kinh tế lớn nhất dọc đất nước.
Ông Nguyễn Cảnh Tiến - Phó Giám đốc Công ty du lịch Violette Trains Việt Nam cho biết: “Tôi đã mường tượng được ra buổi sáng chúng ta có mặt ở Hà Nội ăn sáng cùng nhau, uống cà phê, nhưng buổi trưa được vào ăn hải sản Đà Nẵng, buổi chiều, du khách đã được đắm mình trong biển Mỹ Khê”.
Dự án sau khi được triển khai đầu tư và vận hành sẽ quay trở lại đóng góp cho nền kinh tế
Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua. Với đề xuất dự kiến hoàn thành vào năm 2035, đây sẽ là dự án mang lại những lợi ích kinh tế không nhỏ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Theo phương án đề xuất, điểm đầu sẽ xuất phát từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) chạy qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh). Trong khi đường sắt hiện nay đang chạy khoảng 34 tiếng từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh, với đường sắt tốc độ cao sẽ chỉ mất 5 tiếng rưỡi do tàu sẽ có tốc độ thiết kế lên đến 350km/h.
Bạn Nguyễn Trúc Giang - Tỉnh Bình Định tâm sự: “Di chuyển nhanh hơn và một phương tiện tàu với không gian thoải mái hơn, các hành khách và các bạn trẻ như em sẽ rất thích”.
Ông Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty du lịch TSC chia sẻ: “Đi tour lúc đó không còn quá vất vả”.
Trên toàn tuyến có tổng cộng 23 ga khách và 5 ga hàng. Với ước tính chỉ riêng trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, đến năm 2050 được dự báo sẽ vận chuyển từ 1,1-1,3 tỷ lượt hành khách/năm.
Đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tải trọng 22,5 tấn/trục. Tiến độ dự kiến, vào tháng 10/2024 trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. Nếu được thông qua sẽ có thể khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2027. Từ năm 2028 - 2029: khởi công đoạn còn lại từ Vinh đến Nha Trang. Năm 2035, dự kiến hoàn thành xây dựng toàn tuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, tương đương với khoảng 1,7 triệu tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành. Hình thức đầu tư công gồm cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay.
Dự án sau khi được triển khai đầu tư và vận hành sẽ quay trở lại đóng góp cho nền kinh tế bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm và thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu cho thấy dự án sẽ giúp tăng thêm gần 1 điểm % GDP bình quân mỗi năm của cả nước so với không đầu tư dự án.
Dự kiến ngày hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải trình làm rõ các vấn đề liên quan được các đại biểu quan tâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!