Tương lai nào cho OPEC sau sự ra đi của Qatar?

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ năm, ngày 06/12/2018 10:53 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (6/12), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo). Việc Qatar rút khỏi OPEC đang làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của tổ chức này.

"Đổi mới hay là chết" - câu nói này đã được dư luận Trung Đông nhắc đến trong những ngày qua khi nói về OPEC.

Theo Trang mạng Al Arabiya (Saudi Arabia), sự ra đi của Qatar là một điểm tích cực để OPEC phải thực sự đánh giá lại vai trò của mình, trong một bối cảnh năng lượng và địa chính trị đã phức tạp hơn nhiều so với khi nó được thành lập.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar đã nhấn mạnh Qatar sẽ không rút khỏi lĩnh vực kinh doanh dầu lửa, nhưng sẽ rút khỏi một tổ chức đang bị điều hành bởi một quốc gia, ám chỉ Saudi Arabia, theo trang mạng Al Arabiya.

Căng thẳng chính trị giữa Qatar với một số quốc gia Arab, đứng đầu là Saudi Arabia, đã kéo dài 18 tháng. Dù Qatar nhấn mạnh việc rút khỏi OPEC thuần túy bắt nguồn từ những bài toán về phát triển năng lượng, nhưng sự ra đi của Qatar vẫn khiến một số tờ báo, như Nhật báo Ngôi sao (Lebanon) nhìn nhận nó có nguy cơ tạo ra những tiền lệ mà ở đó chính trị có thể trở thành nguồn cơn, phá vỡ mối quan hệ giữa các thành viên OPEC. Trong khi đó, nếu nhìn vào lịch sử, ngay cả trong chiến tranh Iran - Iraq, hay mối quan hệ Iran - Saudi Arabia dù căng thẳng trong nhiều năm, thì các quốc gia vẫn có thể ngồi cùng nhau trong OPEC, với tâm thế về một tổ chức phi chính trị, chỉ phục vụ các mục tiêu kinh tế.

Qatar tuyên bố rút khỏi OPEC để tập trung nâng cao sản lượng khí đốt. Nhưng đáng chú ý, OPEC không điều chỉnh sản lượng khí đốt của Qatar, OPEC chỉ điều chỉnh sản lượng dầu. Thế nhưng Qatar vẫn quyết tâm rút khỏi OPEC. Theo một số tờ báo, nó không chỉ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa nước này với quốc gia Arab vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nó còn được đưa ra trong bối cảnh các thành viên OPEC đang phải chịu sức ép của Mỹ. Đặc biệt, Quốc hội Mỹ đang tính tới khả năng sẽ ban hành một đạo luật có tên NOPEC, trừng phạt OPEC theo luật chống độc quyền của Mỹ.

Có thể nói, sự ra đi của Qatar, dù vì bất cứ lý do gì, cũng như một cú giáng vào uy tín của OPEC. Kể từ khi ngành dầu khí đá phiến phát triển tại Bắc Mỹ, OPEC đã cho thấy họ hầu như mất khả năng kiểm soát giá dầu nếu không có sự trợ lực của một số đối tác ngoài OPEC như Nga.

Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp này, báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, nhiều khả năng các bên sẽ tìm các lối đi để thể chế hóa sự hợp tác giữa OPEC và các đối tác, vốn đã kéo dài suốt 2 năm qua.

OPEC cân nhắc giảm sản lượng dầu OPEC cân nhắc giảm sản lượng dầu

VTV.vn - Ngày 6/12, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp ở thủ đô Vienna của Áo để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước