Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước cho thấy sự yếu kém, bất lực

Thùy An-Thứ năm, ngày 18/06/2020 14:48 GMT+7

VTV.vn - Đây là phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – đại biểu đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Tôi đọc Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thấy đã có 23 biện pháp cưỡng chế hành chính mà bây giờ còn bổ sung thêm một biện pháp là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thì tôi nhận thức là cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém, rất bất lực và pháp luật không nghiêm. 

Chúng ta có cả một bộ máy rất rộng lớn, đào tạo rất bài bản, chúng ta có 23 biện pháp rồi mà chúng ta vẫn không làm được, lại thêm một biện pháp này nữa, tôi cho rằng không đúng", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phát biểu về khoản 2 Điều 86 về biện pháp cưỡng chế là cắt điện và nước trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào sáng nay (18/6).

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước cho thấy sự yếu kém, bất lực - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – đại biểu đoàn Nghệ An

Ông Cầu cũng cho biết, nếu nếu việc cưỡng chế hành chính bằng cách cắt điện nước được đưa vào trong luật thì rất dễ bị lạm dụng.

"Bởi vì là dễ nhất, cắt điện, nước rất dễ làm. Người có thẩm quyền chỉ ra lệnh cho cơ quan điện, nước cắt ngay là người ta làm ngay và hậu quả để lại vô cùng lớn. Tôi lấy ví dụ, một trại lợn ở Nghệ An như trại lợn Thái Dương, hơn 3.000-4.000 con lợn, họ vi phạm môi trường, chúng ta bảo họ chưa xử lý xong, chúng ta cắt điện, nước thì lợn sống như thế nào?", đại biểu đoàn Nghệ An cho biết.

Bên đó, đại biểu Cầu cũng nhấn mạnh điện, nước là nhu cầu thiết yếu nhất của người dân.

"Tôi nói thật với đại biểu Quốc hội, trong trại tạm giam của chúng ta, chúng ta phải xây cả bể nước ở trong nhà tập thể cho phạm nhân sử dụng, mất điện, mất nước một ngày là không chịu nổi, còn nhịn ăn 2 ngày trong mùa nắng này có nhiều người chịu được. Chúng ta không nên làm việc này", ông Cầu nhấn mạnh.

Cuối cùng theo ông Cầu việc lấy quyền lực của hành chính Nhà nước để can thiệp vào một hoạt động dân sự của một cuộc sống bình thường của người dân ngoài xã hội là không nên.

"Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét lại biện pháp này, không lẽ chúng ta lại bất lực đến mức như vậy", ông Cầu nhấn cho biết.

Giải pháp không có tính nhân văn

Cùng quan điêm với ông Cầu, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng cho rằng, cưỡng chế hành chính bằng việc cắt điện nước thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng.

"Tôi nghĩ vấn đề này phải rất cân nhắc. Đây là giải pháp không có tính nhân văn. Các đại biểu khác đã nói rồi, tôi nói ở khía cạnh khác, nó không đảm bảo tính nhân văn, những người không liên quan đến hành vi vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân của hành vi. Chúng ta làm luật nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, tôi nghĩ không nên chút nào", đại biểu Cương cho biết.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước cho thấy sự yếu kém, bất lực - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận)

"Tôi đề nghị nếu có giữ thì chỉ giữ trong lĩnh vực xây dựng, không nên ở lĩnh vực khác. Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ rất nhiều thứ, tại sao lại cắt điện nước", ông Cương đều xuất về hình thức cưỡng chế hành chính bằng việc cắt điện nước.

Đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời

Trái ngược với 2 ý kiến trên, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) lại thể hiện sự tán thành trong việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước cho thấy sự yếu kém, bất lực - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An)

"Qua thực tế, quản lý nhà nước ở địa phương cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính, nhất là lĩnh vực xây dựng rất khó ngăn chặn, bởi nhiều lý do, nhất là khi các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. Nếu chỉ thực hiện biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 125 của dự thảo luật là chưa đủ để ngăn chặn vi phạm hành chính", ông Đỉnh viện giải cho ý kiến của mình.

Ông Đỉnh nhấn mạnh, việc bổ sung biện pháp này sẽ góp phần đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước