Có nên cắt điện, nước để cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính?

Đình Quân (VTV Digital)-Thứ sáu, ngày 12/06/2020 12:58 GMT+7

VTV.vn - Việc bổ sung quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với cá nhân, tổ chức kinh doanh có vi phạm hành chính đang khiến nhiều ĐBQH và giới chuyên gia băn khoăn.

Cưỡng chế vi phạm hành chính bằng hình thức cắt điện nước là điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đang khiến nhiều ĐBQH và giới chuyên gia "băn khoăn".

Những ngày qua, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó nhiều đại biểu Quốc hội nêu băn khoăn về quy định "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm". 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cưỡng chế hành chính bằng hình thức cắt điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng, chứ không đạt được mục đích là xử lý vi phạm hành chính với đơn vị vi phạm.

Lấy ví dụ từ việc trong gia đình, chỉ vì người chồng vi phạm mà cắt điện, nước thì vợ con không thể sử dụng. Nhiều đại biểu cho rằng, không nên áp dụng hình thức này trong việc xử lý vi phạm hành chính nói chung.

"Dùng từ dã man thì hơi nặng nề nhưng cắt điện nước đâu phải một mình tôi chịu. Thứ hai là thể hiện sự bất lực của chính quyền, lực lượng chức năng vì người ta không chấp hành nên anh chơi kiểu cắt điện nước. Cái sức mạnh chính quyền không thể hiện ở đây" - ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói.

Có nên cắt điện, nước để cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính? - Ảnh 1.

Một số ý kiến khác cho rằng cần phải cẩn thận vì có thể vi phạm quyền cơ bản của công dân. Nhưng có thể áp dụng tùy từng trường hợp và có thời hạn để các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng vi phạm có hiệu lực.

Ông Phạm Đình Gia, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: "Nếu điện nước là phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì cần thiết áp dụng biện pháp này. Lấy ví dụ như dùng điện nước để sản xuất hàng giả, điện nước sản xuất gây ô nhiễm môi trường hay là điện nước xây dựng công trình vi phạm".

Thời gian vừa qua, việc cung cấp điện nước đang được triển khai theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Theo các luật sư, nếu sử dụng công cụ hành chính để can thiệp vào việc kinh doanh thì vô hình chung đang hạn chế và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Chưa kể, rất có khả năng xảy ra lạm quyền, tham những vặt ở cấp cơ sở.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh nhận định: "Việc liên quan đến điện nước thuộc thỏa thuận giao kết dân sự giữa các bên: công ty cấp điện nước với hộ gia đình, tổ chức. Không hoàn toàn liên quan gì đến hành vi vi phạm hành chính. Hai câu chuyện này hoàn toàn tách biệt nhau. Lúc đó rất dễ phải dẹp tham nhũng vặt khi có sự đối lập và mâu thuẫn lợi ích giữa cán bộ cơ sở, người dân và đơn vị cung cấp dịch vụ"

Hiện tại, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ các biện pháp và chế tài để xử lý vi phạm hành chính, nhưng quan trọng phải thực hiện nghiêm túc để các cá nhân và tổ chức phải chấp hành.

TP.HCM sẽ cắt điện nước công trình xây dựng vi phạm TP.HCM sẽ cắt điện nước công trình xây dựng vi phạm

VTV.vn - Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đề xuất, trước mắt phải tập trung xử lý các công trình vi phạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước