Theo Reuters, giá cổ phiếu của Twitter lao dốc một phần do các nhà đầu tư lo ngại về những quy định kiểm soát gắt gao hơn với mạng xã hội này.
Trước đó, công ty truyền thông xã hội có trụ sở tại San Francisco đã quyết định khóa tài khoản có tới 88 triệu người người theo dõi của Tổng thống Trump do lo ngại về nguy cơ bạo lực tiếp tục xảy ra sau khi Điện Capitol thất thủ vào tuần trước.
Twitter "cấm cửa" ông Trump
Tuyên bố này ngay lập tức làm bùng lên cuộc tranh cãi. Một số thành viên của Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích quyết định "dập tắt quyền tự do ngôn luận của Tổng thống". Trong khi đó, Ủy viên Liên minh châu Âu Thierry Breton cho biết, những sự kiện trong tuần qua có thể báo trước một "kỷ nguyên mới của sự kiểm soát chính thức nặng nề hơn" với các nền tảng mạng xã hội.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã chỉ trích lệnh cấm của Twitter và lên tiếng cảnh báo thông qua một phát ngôn viên, rằng các nhà lập pháp, chứ không phải các công ty tư nhân, nên đưa quyết định về "các hạn chế tiềm năng" cho tự do ngôn luận.
"Tự do ngôn luận là quyền cơ bản có tầm quan trọng hàng đầu. Quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải thông qua luật và trong khuôn khổ do cơ quan lập pháp xác định, chứ không phải theo quyết định của các công ty mạng xã hội ", người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết vào ngày 11/1 trên AFP.
Cổ phiếu của Twitter lao dốc mạnh sau quyết định khóa tài khoản của ông Trump
Sự chú ý tới Twitter sau lệnh cấm làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư răng, nền tảng này sẽ có thể phải chịu nhiều quy định về kiểm duyệt hơn so với các đối thủ là Facebook hay Google và Alphabet, chủ sở hữu YouTube.
Các nền tảng truyền thông xã hội khác trong đó có cả Facebook cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự với ông Trump. Tuy nhiên, cổ phiếu của Twitter có mức giảm mạnh nhất. Gần đây nhất, Facebook bị giảm gần 4% và Alphabet mất 2%.
Phát biểu trong hội nghị Next của Reuters, COO của Facebook, Sheryl Sandberg cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới chưa có kế hoạch gỡ bỏ lệnh chặn đối với các tài khoản của ông Trump.
Các ông lớn công nghệ đã quá "kiêu ngạo"?
Quyết định hôm thứ 6 vừa qua là lần đầu tiên Twitter cấm một nguyên thủ quốc gia trên nền tảng của mình.
Tương tự, Apple, Alphabet và Amazon cũng đã loại Parler, mạng xã hội được nhiều người ủng hộ ông Trump ưa thích, khỏi các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ web, khiến ứng dụng này không thể truy cập được nữa.
Michael Hewson, chuyên phân tích của CMC Markets UK, cho biết: "Những động thái này, cho dù có được coi là chính đáng hay không, cũng có thể khiến họ (những ông lớn công nghệ) mất đi người dùng".
Sẽ có những quy định thắt chặt với các ông lớn công nghệ trong thời gian tới?
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã từng lên tiếng chỉ trích "sự kiêu ngạo quá mức" của các lãnh các công ty công nghệ. Các nhà phân tích đang mong đợi nhiều động thái pháp lý hơn để kiềm chế quyền lực của của nhóm Big Tech trong 4 năm tới.
Ủy viên EU Breton cho biết, sự thay đổi trong quy định có thể so sánh với chiến dịch trấn áp khủng bố toàn cầu sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Viết trên tờ Politico ông Breton nhấn mạnh: "Việc một CEO có thể cấm cửa, chặn quyền phát ngôn của một Tổng thống Mỹ mà không cần kiểm tra và đảm bảo tính cân bằng là điều khó hiểu".
"Nó không chỉ khẳng định sức mạnh của những nền tảng này mà còn cho thấy những điểm yếu sâu sắc trong cách xã hội của chúng ta được tổ chức trong không gian kỹ thuật số", ông Breton phân tích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!