Theo đại diện ngành đường sắt, việc ứng dụng nền tảng công nghệ giúp mở rộng thêm nhiều kênh bán vé như bán qua trang web hay phần mềm di động nhằm tăng doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí phôi vé và in ấn cũng tiết giảm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giúp minh bạch hóa công tác quản lý thu chi.
Đại diện Tập đoàn FPT, đơn vị cung cấp và vận hành hệ thống cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, kho dữ liệu bán vé tàu điện tử ngày càng phình to. Do đó, việc theo dõi và nâng cấp hệ thống thường xuyên là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo tính ổn định, hạn chế tình trạng quá tải.
Còn tại TP.HCM, từ năm 2017, một giải pháp công nghệ quản lý và điều hành xe bus tập trung cũng đã được áp dụng. Thay vì phải xây dựng 13 hệ thống riêng rẽ, các đơn vị vận tải công cộng có thể cùng ngồi tại một nơi, dùng chung hạ tầng và dữ liệu để giảm chi phí.
Ứng dụng xe bus thông minh hiện đang được áp dụng cho hơn 3.000 phương tiện, với hơn 700.000 lượt hành khách mỗi ngày. Sau hơn 1 năm triển khai, hơn 20% các lỗi vi phạm như dừng đỗ lâu, chạy sai lộ trình hay tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại đã giảm đi nhờ sự minh bạch hóa trong quản lý qua phần mềm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!