Hiện Nga đạt được các thỏa thuận sơ bộ để bán 1,2 tỷ liều vaccine COVID-19. (Ảnh: AP).
Ngày 15/10, Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, hợp tác phát triển và phân phối vaccine có thể tăng thu nhập toàn cầu thêm 9.000 tỷ USD năm 2025. Hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong việc phát triển và phân phối vaccine ngừa COVID-19, có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới và tăng thu nhập toàn cầu thêm 9.000 tỷ USD vào năm 2025.
Phát biểu sau cuộc họp của Ban điều hành IMF, bà Georgieva cũng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu.
Bà Georgieva nhấn mạnh sự cần thiết của vaccine được phân phối đồng đều trên toàn thế giới, cả ở những nước đang phát triển và các nền kinh tế giàu có để thúc đẩy sự tự tin về du lịch, đầu tư, thương mại và các hoạt động khác. Theo người đứng đầu IMF, hợp tác quốc tế mạnh mẽ là điều cấp bách nhất hiện nay để phát triển, cũng như phân phối vaccine.
Vaccine COVID-19 tăng thu nhập toàn cầu
Vào lúc này, tiến độ sản xuất vaccine COVID-19 đang được các nước và nhiều hãng dược phẩm thúc đẩy. Các nước như Nga, Mỹ hay Trung Quốc đều đặt mục tiêu phân phối vaccine ra toàn thế giới ngay trong năm 2020.
Vaccine COVID-19 một khi hoàn thiện sẽ được phân phối đến các quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả những nước không đủ điều kiện chi trả. Ảnh: Reuters.
Sputnik V, loại vaccine đầu tiên trên thế giới được cấp phép của Nga, đã được hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông đặt mua. Vaccine Sputnik V sẽ được phân phối trên toàn thế giới sớm nhất vào tháng 11. Hiện Nga đạt được các thỏa thuận sơ bộ để bán 1,2 tỷ liều với giá không quá 20 USD cho 2 liều. Sau khi được cấp phép lưu hành, vaccine Sputnik V vẫn tiếp tục được thử nghiệm đối với 40.000 tình nguyện viên.
Giáo sư Ernie Goss, cựu Giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ và hiện là giáo sư kinh tế tại Cao đẳng Kinh doanh Heider của Đại học Creighton, cho rằng vaccine sẽ có tác động rất lớn đến khả năng hồi phục kinh tế.
Theo các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs, khả năng Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt một loại vaccine phòng ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020 ngày càng tăng và loại vaccine này sẽ được cung cấp rộng rãi cho người dân Mỹ vào giữa năm 2021. Trong khi vaccine COVID-19 được điều chế thành công là một thông tin có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Tiến sĩ William Haseltine, Chủ tịch tổ chức học giả ACCESS Health International nhận định, vaccine COVID-19 ra đời mang lại hy vọng lớn cho toàn thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận việc vượt qua rào cản kỹ thuật để tạo ra một loại vaccine hiệu quả và an toàn cho phần đông dân số không phải chuyện dễ dàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!