Diễn biến gay cấn giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ, hay một loại vaccine có thể ngừa COVID-19 hiệu quả tới hơn 90% là những thông tin đáng chú ý trong tuần vừa qua.
Tuy nhiên nếu nhìn vào thị trường, dường như tin tức về vaccine mới chính là điều khiến nhiều cổ phiếu dậy sóng hơn việc ai được ngồi trong Nhà Trắng.
Sau khi thông tin về vaccine của công ty Pfizer được đưa ra, hàng loạt cổ phiếu đã ngay lập tức tăng giá. Trong đó, chuỗi rạp hát AMC tăng tới 51% chỉ trong một ngày giao dịch, cổ phiếu hãng hàng không United Airlines tăng 19%, hay chuỗi bán lẻ hàng hóa tiêu dùng Macy tăng 17%.
Ba mã cổ phiếu này cũng đại diện cho 3 ngành đã từng bị dịch bệnh COVID-19 quật ngã thê thảm: du lịch, trung tâm thương mại và các địa điểm vui chơi giải trí.
Tin tức về vaccine của công ty dược Pfizer giống như một mũi tiêm thần dược khiến cổ phiếu của những ngành này hồi sinh. Tuy nhiên, giữa lúc thị trường đang hân hoan vui mừng, tỷ phú Bill Ackman đã đưa ra những dự đoán khá bi quan.
Mới đây, ông Bill Ackman đặt cược 8 triệu USD vào khả năng vài tháng tới, số doanh nghiệp phá sản tại Mỹ sẽ còn tăng chóng mặt, bất kể việc có vaccine.
Một nhân viên y tế tại Thổ Nhĩ Kỳ đang cầm xi lanh ở một dự án thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển. (Ảnh: AA/Getty Images)
Đáng nói, đầu năm nay, tỷ phú này cũng đã đặt cược 27 triệu USD vào một viễn cảnh tương tự và đã thu lời gấp gần 100 lần khi số tiền ban đầu 27 triệu USD "phình lên" thành 2,6 tỷ USD.
Mặc dù chính tỷ phú Bill Ackman cũng nói rằng không mong muốn dự báo lần này chuẩn xác, nhưng liệu vaccine có phải là thần dược cho nền kinh tế hay không?
Trong những ngày qua, nhiều nhà đầu tư đang có những phản ứng quá khích trong việc mua và bán. Thông tin lạc quan về vaccine của Pfizer đã khiến nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu của các công ty vốn ăn nên làm ra dưới thời kinh tế ở nhà và đổ tiền sang các cổ phiếu có tiềm năng hồi phục trở lại như: du lịch, giải trí, năng lượng và hàng không. Đây là tâm lý hoàn toàn dễ hiểu bài học kỳ vọng nếu có vaccine các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại, mọi hoạt động cũng sẽ bình thường trở lại.
Thời gian qua, cổ phiếu của các công ty công nghệ như Amazon, Facebook đã tăng gần như kịch trần, vì thế không còn là miếng đầu tư béo bở đối với các nhà đầu tư.
Trong khi đó, các công ty dịch vụ đang ở mức giá sàn nên trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Bank of America ghi nhận có khoảng 44,5 tỷ USD được đổ vào các quỹ đầu tư trong tuần vừa qua, cùng lúc tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của các nhà đầu tư đã giảm 18 tỷ USD.
Ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại nhiều quốc gia
Có thể thấy, nếu có vaccine, thì việc người dân lại đổ ra mua sắm, tiêu dùng sẽ diễn ra. Mọi thứ sẽ mở cửa trở lại, hàng không, mua sắm, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, kể cả khi có vaccine, chúng ta cần tính tới yếu tố là đến khi nào vaccine mới hiệu quả 100% và bao giờ vaccine mới được phân bổ cho phần lớn dân số thế giới? Trong khi ở thời điểm này, các ca nhiễm đang tăng nhanh bất thường. Ví dụ như Mỹ đã chính thức vượt mốc 10 triệu ca nhiễm; sát nút phía sau là Ấn Độ, với hơn 8,5 triệu ca nhiễm; Brazil là 5 triệu ca…
Nếu ở tất cả các quốc gia này, người tiêu dùng bắt đầu chủ quan, ào ra đường mua sắm hay sử dụng dịch vụ và bất cẩn trong việc phòng dịch, thì toàn thế giới sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Khi các quốc gia chưa tiếp cận được với vaccine, mà ca nhiễm lại tăng cao, việc tiếp tục phong tỏa và đóng cửa có lẽ là lựa chọn duy nhất.
Vaccine không phải “thuốc thần” cho nền kinh tế
"Cần ít nhất 1 năm nữa để GDP các nước quay trở lại mức trước khủng hoảng dịch bệnh và sẽ mất từ 1 - 2 năm nữa để quay về tỷ lệ thất nghiệp trước khủng hoảng. Chúng ta sẽ đối mặt với một quá trình hồi phục kéo dài", ông Axel Weber, Chủ tịch của UBS, nhận định.
Theo dự đoán, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ giảm 2,9% trong năm nay, bất kể tín hiệu lạc quan từ vaccine. (Ảnh: Getty Images)
Moody's dự đoán nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ giảm 2,9% trong năm nay, bất kể tín hiệu lạc quan từ vaccine. Phải đến năm 2024, nền kinh tế số 1 thế giới mới lấy lại được 22 triệu việc làm mất đi vì đại dịch. Trong khi đó, gần 13 triệu người tiêu dùng sẽ gặp phải khó khăn tài chính vào tháng 12 tới, ngay khi các khoản trợ cấp thất nghiệp hết hạn.
Những tác động lên nền kinh tế vẫn diễn ra, trong khi vaccine phải vài tháng nữa mới có thể được phân phối rộng rãi. Khu vực châu Âu sắp phải chứng kiến sự thu hẹp nền kinh tế lần nữa khi vừa rơi vào trạng thái đóng cửa lần 2.
Các nhà kinh tế của RAND Europe ước tính ngay cả khi đã có sẵn trong tay loại vaccine hiệu quả, thiệt hại của kinh tế toàn cầu vẫn ở mức 1,2 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, một số ngành nghề như du lịch, khách sạn hay hàng không sẽ cần nhiều hơn là vaccine. Những "bệnh nhân" ốm nặng này sẽ cần những "liều thuốc bổ" là các gói kích thích kinh tế để có thể bình phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!