Ngày 26/7 đánh dấu tròn một tuần sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành. 3.000 lệnh/giây, 1.000.000 lệnh/ngày, hàng nghìn mã trái phiếu có thể được niêm yết, một sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ có sức tải tương đương với các sàn giao dịch cổ phiếu hiện nay của Việt Nam đã được xây dựng và đưa vào hoạt động chỉ trong thời gian vài tháng.
Kết quả kể trên đến từ tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch cùng các cơ quan liên quan qua Nghị định 65/2022, Nghị định 08/2023 và gần đây nhất là Nghị quyết 105 để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Những kỳ vọng về sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Không chỉ giúp việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trở nên thuận tiện hơn, một trong những điểm đáng kỳ vọng nhất khi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có "sân chơi" riêng đó là tính minh bạch được tăng cường.
Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời góp phần khắc phục nhiều vấn đề của hệ thống giao dịch cũ.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành từ ngày 19/7/2023. (Ảnh: VOV)
Trước đây việc giao dịch diễn ra giữa các trái chủ trong phạm vi riêng lẻ của các công ty chứng khoán. Cách thức trao tay cục bộ này tạo điều kiện cho nhiều trường hợp công ty chứng khoán giao dịch thiếu minh bạch, "xé nhỏ" kỳ hạn trái phiếu ra bán cho nhiều nhà đầu tư cá nhân không chuyên.
Tuy nhiên với sự ra đời của sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tính minh bạch đã được tăng cường, các kỳ hạn niêm yết lên sàn được công khai, đồng thời đảm bảo chỉ tài khoản nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch trái phiếu riêng lẻ.
Rủi ro trong khâu thanh toán cũng được giảm bớt với sự tham gia của Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán và ngân hàng thanh toán Vietcombank. Sự sôi động kỳ vọng được tăng cường trong thời gian tới khi trong vòng 3 tháng, khoảng 1.200 mã trái phiếu riêng lẻ sẽ bắt buộc phải lên sàn giao dịch.
"Cũng cần thêm chút thời gian để các doanh nghiệp thực hiện thủ tục nội bộ công ty, đăng ký lưu ký với Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán và thủ tục đăng ký với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để đưa các mã trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Nó sẽ cải thiện về mặt thanh khoản, thị trường sẽ phục hồi dần dần, đầu tiên là từ nhà đầu tư tổ chức và sau đó lan tỏa ra các nhóm khác", ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cho biết.
"Việc kê khai giao dịch giúp minh bạch thông tin thì nhà đầu tư yên tâm cầm dài hơn, cùng sự hỗ trợ của cơ chế chính sách sẽ hạn chế việc tổ chức phát hành phải trả tiền sớm hoặc ép phải mua lại trái phiếu vì khi huy động dài hạn, họ đã tiêu một phần mà bây giờ phải trả lại là rất khó khăn", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, đánh giá.
Theo cơ quan quản lý thị trường, nhà đầu tư cần lưu ý, dù có thêm sàn giao dịch tiện lợi, minh bạch hơn, bản chất trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn là một sản phẩm đầu tư mang tính "rủi ro hài hòa, lợi ích chia sẻ" giữa doanh nghiệp và người cầm trái phiếu. Một sản phẩm phù hợp cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
"Trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi của trái phiếu là từ doanh nghiệp phát hành. Thứ hai là xác định hệ thống này chỉ áp dụng cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là trách nhiệm của công ty chứng khoán để làm sao cố gắng đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ này ngày càng minh bạch hơn", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định.
Hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp đồng bộ
Theo nhiều chuyên gia, nếu gọi sàn giao dịch trái phiếu như một khu chợ thì chợ mới mở chưa có quá nhiều giao dịch cũng là điều bình thường và dần dần có nhiều mặt hàng chất lượng, chợ sẽ tấp nập. Tuy nhiên với người đi chợ là các nhà đầu tư, làm thế nào để họ có thể định giá các sản phẩm trái phiếu trên sàn? Sau khi sàn trái phiếu doanh nghiệp được hình thành, điều tiếp theo thị trường đang rất kỳ vọng, đó là quy định doanh nghiệp phát hành cần phải có xếp hạng tín nhiệm theo quy định của Nghị định 65.
Rau trồng sạch theo phương pháp hữu cơ đắt tiền hơn. Điểm phẩy trên 8.0 là học sinh giỏi. Vóc dáng cân đối, gương mặt sáng, ứng xử thông minh có thể là Hoa hậu. Niều điều trong cuộc sống đều có sự định lượng và định tính để đánh giá. Tuy nhiên, một trong những nơi cần sự định giá, định hạng như thị trường đầu tư trái phiếu hiện vẫn vắng bóng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm.
"Xếp hạng tín nhiệm là thông lệ khu vực, áp dụng tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và rất nhiều thị trường xếp hạng, đặc biệt khi bán cho nhà đầu tư sơ cấp hay thứ cấp, hàng hóa đó, trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm. Nó giúp giảm rủi ro cho thị trường", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho hay.
Ban đầu, quy định xếp hạng tín nhiệm đã được Nghị định 65 yêu cầu từ năm nay, nhưng để thị trường dần dần chuẩn bị và bắt nhịp, Nghị định 08 cho phép lùi thời hạn bắt đầu từ năm 2024. Nếu không có xếp hạng tín nhiệm, thì vấn đề nhức nhối đã lâu là nhìn vào sự hấp dẫn của trái phiếu chỉ qua mức lãi suất cao hay thấp để đầu tư mà không tính đến chất lượng doanh nghiệp khó có thể giải quyết.
"Khi Nghị định 08 hết hiệu lực cuối năm nay, rõ ràng chúng ta phải bắt đầu sớm để thực hiện tốt hơn Nghị định 65 thời gian tới, ví dụ như sớm cấp phép cho các công ty thêm xếp hạng tín nhiệm để họ vận hành; cởi mở hơn với kênh phát hành trái phiếu ra công chúng; củng cố nền tảng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức", TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Theo ông Lực, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân quá cao vào khoảng 30 - 40% khiến thị trường đầu tư bị nặng tâm lý đám đông và dễ chịu biến động.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều chuyên gia hiến kế Việt Nam cần tập trung sớm nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên trên mức BB+. Theo thống kê, nhiều doanh nghiệp của Philippines, Indonesia, dù không tốt bằng doanh nghiệp Việt Nam nhưng đang đi huy động trái phiếu quốc tế với lãi suất 3 - 5%/năm bằng USD, trong khi doanh nghiệp Việt tốt hơn phải huy động 6-10% hoặc hơn.
Nếu các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu được thực hiện đồng bộ, mục tiêu thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 của Chính phủ là hoàn toàn trong tầm tay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!