Trước đây, Công ty Xi măng Hoàng Long chỉ vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh bằng ô tô, tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, từ khi các cơ quan chức năng kiểm soát mạnh xe quá khổ, quá tải, công ty đã quyết định sử dụng cả đường thủy để vận chuyển hàng. Doanh nghiệp đã tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng/tháng chi phí vận chuyển, bởi giá cước đường thủy chỉ bằng 1/4 so với đường bộ.
Ông Nguyễn Trung - Đội trưởng đội cơ giới Công ty Cổ phần Xi măng Hoàng Long cho biết: “Đường bộ xe chở được ít, doanh nghiệp phải tăng gấp 2, 3 lần đầu xe so với trước kia, vậy nên chúng tôi phải thay đổi phương thức”.
Việc tái cơ cấu giữa các loại hình vận tải trong đó có đường bộ và đường thủy không chỉ làm cho các chủ hàng được lợi, mà ngay cả những doanh nghiệp vận tải đường thủy cũng có cơ hội đổi đời. Trong suốt 10 năm chạy tàu, trong hai năm qua, thu nhập của anh Hà Minh Hải, Thuyền trưởng tàu 6609, tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình đã tăng cao, bởi hàng trên tàu của anh luôn đầy.
Hiện nay, tỷ lệ thị phần vận tải đường bộ đã giảm từ 76% xuống còn 65%. Riêng vận tải thủy chiếm trên 19%, tăng so với các năm trước. Đây cũng là cơ hội để giảm giá cước vận tải, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Tiềm năng của vận tải thủy thời gian qua đã được chứng minh. Trong hai năm vừa qua, tuyến vận tải ven biển đầu tiên từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đi vào hoạt động đã chuyên chở 6,7 triệu tấn hàng hóa, giảm 1.000 xe tải/ngày chạy trên Quốc lộ 1. Hàng nghìn km đường thủy nội địa cũng được khơi thông, cải thiện hệ thống đê kè, phát huy tối đa lợi thế của loại hình vận tải này.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!